Phú Sát Hoàng hậu hay còn được hậu thế biết đến với cái tên Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu (1712 - 1748), là Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long Đế, xuất thân từ Phú Sát thị, Mãn Châu Tương Hoàng kỳ - một trong Thượng tam kỳ, có địa vị xã hội rất cao.
Năm Phú Sát thị 16 tuổi, bà được Ung Chính Đế (cha của Càn Long) ban hôn, trở thành Đích phúc tấn của Bảo Thân Vương Hoằng Lịch (tức Càn Long thời bấy giờ). Năm 1735, Ung Chính Đế băng hà, Càn Long nối ngôi và Phú Sát thị được phong làm Hoàng hậu.
Suốt những năm làm chủ hậu cung, Phú Sát Hoàng hậu luôn làm tròn bổn phận của một người vợ, một mẫu nghi thiên hạ. Trong mắt Càn Long Đế, bà không chỉ là một người ôn nhu, hiền hậu, đoan trang, cần cù, tiết kiệm, tài hoa mà bà còn rất hòa nhã với các phi tần khác, không tranh đua, mưu hại ai.
Tuy nhiên, một vị Hoàng hậu đức hạnh như vậy nhưng lại qua đời quá sớm khi chỉ mới 36 tuổi. Và sự ra đi đột ngột của bà đến nay vẫn còn là một ẩn số với nhiều truyền thuyết khác nhau.
Cái chết của Phú Sát Hoàng hậu trong phim
Trong bộ phim cung đấu Diên Hi công lược, Phú Sát Hoàng hậu là một nữ tử có phẩm hạnh tuyệt vời, tài sắc vẹn toàn, thấu tình đạt lý. Tuy là mẫu nghi thiên hạ, làm chủ lục cung, là phi tần được Càn Long yêu quý, sủng hạnh nhất nhưng vị Hoàng hậu này lại luôn khao khát có cuộc sống tự do, phóng đãng như thời còn là thiếu nữ khuê các.
Mặc dù có tấm lòng khoan dung, độ lượng và rất hòa nhã với các phi tần khác nhưng Phú Sát Hoàng hậu lại có số phận bất hạnh, khi sinh hạ được hai vị hoàng tử nhưng đều bị người ta hãm hại đến mất con. Trước cái chết của Thất a ca Vĩnh Tông, Phú Sát Hoàng hậu bi thương quá độ, không buồn ăn uống.
Tuy nhiên, lúc đó, Phú Sát Hoàng hậu còn biết một tin động trời từ chính miệng Nhĩ Tình, là em dâu và cũng là thị nữ thân cận nhất trước đây của mình nói rằng Nhĩ Tình đã từng lên giường với Càn Long Đế. Tuyệt vọng, phẫn uất vì bị chính người đầu ấp tay gối của mình phản bội, Phú Sát Hoàng hậu đã gieo mình tự vẫn.
Nếu như Phú Sát Hoàng hậu trong Diên Hi công lược là một người phẩm hạnh tuyệt vời thì trong Hậu cung Như Ý truyện, nhân vật này lại là một người “khẩu phật tâm phi”, bề ngoài tỏ ra là một người nhân hậu, hiền đức nhưng bên trong lại là người có bụng dạ vô cùng hiểm ác.
Cũng như Diên Hi công lược, Phú Sát Hoàng hậu trong Hậu cung Như Ý truyện cũng vì cái chết của hai người con trai mà sinh bệnh. Dù sức khỏe suy nhược nhưng trong chuyến Đông tuần lần thứ nhất của Càn Long Đế khi lên ngôi, bà vẫn một mực đòi đi theo vì muốn giữ uy nghiêm của Hoàng hậu, vì lo lắng sợ Như Ý (Nhàn Phi) lấn lướt.
Thế nhưng, trong chuyến đi này, Phú Sát Hoàng hậu đã bị Mai Tần khác hãm hại, trả thù mà rơi xuống nước. Điều đau lòng nhất đối với vị nương nương này là dù bị rơi xuống nước nhưng vẫn không một ai đến cứu, cho đến khi được một thị vệ phát hiện ra.
Bệnh nặng cộng thêm việc bị rơi xuống nước khiến Phú Sát Hoàng hậu không thể qua khỏi. Trước khi qua đời, vị Hoàng hậu này còn lo lắng Nhàn Phi đắc sủng, trở thành vị Hoàng hậu kế tiếp mà tiến cử một người khác lên thay. Điều này khiến Càn Long vô cùng tức giận, tra hỏi bà về những tội ác mà bà gây ra trước đây. Bị nghi ngờ, Hoàng hậu phẫn uất qua đời.
Bí ẩn đằng sau cái chết của Phú Sát Hoàng hậu
Rõ ràng, cái chết của Phú Sát Hoàng hậu trong hai bộ phim cung đấu nổi đình nổi đám gần đây là khác nhau. Tuy cùng đau thương đến tổn hại sức khỏe sau cái chết của con trai và khi chết đều rất phẫn uất với Càn Long, nhưng một bên là Phú Sát Hoàng hậu tự vẫn, một bên là bà bị người ta tính kế hãm hại. Vậy đâu mới là chân tướng thực sự?
Cho tới nay, cái chết của Phú Sát Hoàng hậu vẫn còn là một ẩn số với nhiều lời đồn đoán. Một số phỏng đoán rằng do bà quá mệt mỏi với cương vị với cương vị của một Hoàng hậu mà áp lực đến suy kiệt, một thuyết khác đồn đoán cái chết của bà có liên quan tới việc Càn Long lén lút ngoại tình với em dâu của bà, vợ của em trai út Phó Hằng.
Theo truyền thuyết, vợ của Phó Hằng rất được Càn Long Đế ưu ái (cái này cả chính sử cũng chỉ ra), nên thường hay ra vào cung điện thăm hỏi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Tuy nhiên, một hôm trên đường về, vợ của Phó Hằng bị Càn Long Đế cưỡng dâm. Cũng chính vì việc này mà người ta đồn rằng, Phúc Khang An, con trai thứ 3 của Phó Hằng chính là con ruột của Càn Long Đế.
Phú Sát Hoàng hậu về sau biết được, khóc lóc thống khổ, đòi sống đòi chết. Sau đó, trong chuyến Nam tuần cùng Hoàng đế, Càn Long vẫn chứng nào tật nấy, lại tham hoa tươi diệp liễu, cải trang lên thành tìm gái ca kỹ, lúc này Phú Sát Hoàng hậu không nhịn được nữa mà tự sát.
Tuy nhiên, cũng có truyền thuyết nói rằng Phú Sát Hoàng hậu sau khi biết được chuyện gian dâm của Càn Long với em dâu, trong lòng vô cùng oán hận Càn Long. Thế nhưng, Hoàng đế không thể biện bạch, nên bà đành nhẫn nhịn xuống nước.
Thế rồi chuyến Nam tuần di chuyển bằng đường thủy, thấy Càn Long Đế chè chén say sưa với ca kỹ trên thuyền, Phú Sát Hoàng hậu thuyết phục Hoàng đế mãi không được nên uất hận mang chuyện gian dâm của Càn Long với em dâu năm xưa ra mắng Hoàng đế thậm tệ. Trong cơn tức giận, Càn Long Đế bèn đẩy Hoàng hậu xuống nước chết đuối. Và lễ tang long trọng mà Càn Long Đế dành cho bà chính là để che dấu chân tướng.
Trước truyền thuyết Càn Long đẩy Phú Sát Hoàng hậu xuống nước trong cơn tức giận, nhiều người cho rằng đó chỉ là hư cấu, bởi Phú Sát Hoàng hậu là nữ nhân mà Càn Long Đế yêu thương nhất. Thậm chí, tình cảm của Càn Long Đế đối đãi với Phú Sát Hoàng hậu còn được sử sách ghi lại là “tôn trọng nhau như khách, cảm tình chân thành, thập phần ân ái”.
Không chỉ vậy, sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, Càn Long Đế thương tiếc viết hơn 100 bài thơ dành cho Phú Sát Hoàng hậu. Hơn nữa, sau khi qua đời, Trường Xuân Cung - nơi Phú Sát Hoàng hậu ở khi còn sống - vẫn được để y nguyên như vậy. Từ đó đến khi thoái vị, Càn Long không cho bất cứ vị phi tần nào vào đó ở nữa. Tình cảm mà Càn Long dành cho Phú Sát Hoàng hậu sâu đậm như vậy thì sao vị Hoàng đế này lại nỡ lòng nào đẩy Hoàng hậu xuống nước được cơ chứ?