Tối ngày 9/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố sắc lệnh hạn chế đi lại. Từ việc phong tỏa miền Bắc Italy, chính sách của ông Conte đã mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Giờ đây, nếu muốn rời khỏi khu vực mình sinh sống, người dân phải trình bày lý do thuyết phục, liên quan đến công việc, sức khỏe hay hoàn cảnh bất khả kháng. Đây là động thái mới nhất của chính phủ Italy trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại đất nước này.
Số liệu ghi nhận vào sáng ngày 10/3 cho thấy số ca nhiễm bệnh ở đây đã tăng vọt từ 7.375 lên 9.172 ca, bệnh nhân tử vong cũng tăng thêm 97 trường hợp, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh tại Italy lên 463 ca. Chỉ trong vòng 24 tiếng, số ca tử vong vì Covid-19 ở Italy đã tăng gần 20%, trong đó có một nửa trường hợp là các cụ già từ 80 đến 89 tuổi, 31% ca thiệt mạng là người trong độ tuổi 70 - 79. Với tình trạng này, Italy đã thay thế Hàn Quốc trở thành nước có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất bên ngoài Trung Quốc.
Từ ngày 10/3 đến ngày 3/4, mọi hành vi tụ tập đông người sẽ bị cấm để ngăn virus lây lan. Chính phủ không chỉ khoanh vùng một “tâm dịch” như trước đây nữa, thay vào đó, họ áp dụng lệnh phong tỏa đối với 60 triệu dân trên cả nước, yêu cầu họ ở nhà nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân lẫn cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa là mọi giải đấu thể thao tổ chức ở nước này đều bị hủy bỏ, người dân không được đến phòng tập gym.
Các quán rượu, nhà hàng và quán cà phê cũng phải đóng cửa ngay lập tức nếu bị phát hiện để khách hàng ngồi cách nhau quá gần. Khoảng cách an toàn được quy định là từ 1 m trở lên. Du thuyền cũng bị cấm cập cảng ở Venice, song những hành khách là cư dân nơi này vẫn có thể lên bờ.
Chính phủ đã hủy các chuyến bay nội địa lẫn quốc tế tại Sân bay Milan Malpensa. Tại thời điểm này, chỉ những chuyến bay nội địa mới được phép cất cánh ở Sân bay Milan Linate. Biên giới của Italy giáp với Áo, Thụy Sĩ và Slovenia vẫn mở. Ban đầu, trường học dự kiến sẽ mở cửa lại vào ngày 16/3 tới.
Tối ngày 7/3, hay tin chính phủ sẽ áp dụng lệnh phong tỏa phía Bắc vào ngày kế tiếp, nhiều người dân trong vùng vội vã lên tàu trốn khỏi khu vực này, mặc cho chính phủ kêu gọi toàn dân tuân thủ luật pháp và hành động có trách nhiệm. Đến khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 9/3, đường phố ở Milan, thủ phủ của Lombardy, vắng lặng như tờ.
Chính phủ đã thành lập chốt kiểm dịch tại các ga tàu lớn trong thành phố để kiểm tra tình trạng của người dân. Những hành khách tại Milan Central Station được yêu cầu ký vào một mẫu đơn, xác nhận họ tự quyết định di chuyển trong thời điểm nhạy cảm này vì một số lý do bất khả kháng.