Các nhà khoa học phát hiện gần 50 vết chân trên đảo Skye, Scotland được nhận định là của những con khủng long lớn nhất thế giới, Daily Mail đưa tin hôm 3/4.
Những vết chân có hình dạng 3 ngón, giống của loài khủng long ăn thịt Theopods. Chúng có chiều dài khoảng 15m, được tìm thấy trong một đầm lầy bùn có niên đại 170 triệu năm. Vết chân được nhận định là hóa thạch của loài khủng long lâu đời nhất được tìm thấy tại Scotland.
Theo các nhà khoa học, những con khủng long sở hữu vết chân trên đến từ thời kỳ Trung Jura (thế thứ hai của kỷ Jura, kéo dài từ 176 đến 161 triệu năm trước), thời kỳ mà ít biết đến sự xuất hiện của loài này. Tuy nhiên, những vết tích xuất hiện lần này cho thấy loài khủng long đã có mặt trên Trái đất khoảng 230 triệu năm trước, thời kỳ mà chúng sống rất bình đẳng.
Tiến sĩ Steve Brusatte, công tác tại Đại học Edinburgh, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Càng tìm kiếm, chúng tôi lại càng phát hiện nhiều hơn các vết chân khủng long tại đảo Skye”.
“Địa điểm phát hiện vết chân cho thấy dấu tích chủ yếu của hai loài khủng long là 'thằn lằn sấm' - Brontosaurus, một chi khủng long chân thằn lằn và loài T.rex (Tyrannosaurus rex) - khủng long bạo chúa”, Tiến sĩ nói thêm.
Những loài khủng long này sống trên một quần đảo rộng lớn bao gồm đảo Skye, khi các siêu lục địa bắt đầu tan rã, Đại Tây Dương chỉ là một dòng nước hẹp, nước Anh gần xích đạo và có khí hậu tương tự Florida. Vào thời điểm đó, các loài chim bắt đầu “biết bay”, loài khủng long T.rex xuất hiện và các loài khủng long khác cũng “phát tướng”.
Phân tích các bản in rõ nét nhất cho thấy hình dạng phác thảo tổng thể của các vết chân và chiều hướng của các ngón chân. Hình dạng các móng vuốt của các vết chân giúp các nhà khoa học có thể nhận biết được nguồn gốc của chúng.
Paige dePolo, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng được tìm thấy ở những tảng đá nhỏ hơn một chút so với những thứ trước đó mà chúng tôi tìm thấy ở đảo Duntulm, nhưng lại chứng minh loài Khủng long chân thằn lằn có mặt trên Trái đất sớm hơn so với những gì chúng ta vẫn nghĩ. Những vết tích này rất hữu ích trong việc giúp chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về các loài khủng long tại đảo Skye vào thời kỳ Trung Jura”.