Nhà sinh vật học và môi trường biển Darrell Blatchey chia sẻ với CNN rằng, con cá voi mõm khoằm Cuvier được tìm thấy trong tình trạng “gầy gò và mất nước”, “nôn ra máu trước khi chết”.
Ông Blatchey - nhà sáng lập và hiện là giám đốc Bảo tàng D’s Bone Collector, thành phố Davao, Philippines - cho hay, đội của ông nhận được thông tin xác con cá voi trôi dạt vào bờ biển Mabini, thung lũng Compostela hôm 14/3.
Nhóm của ông Blatchey sau đó đã tiến hành mổ xác con cá xấu số và nhận định, con cá tử vong do nuốt phải quá nhiều rác thải nhựa.
“Tôi thật sự choáng váng khi nhìn thấy khối lượng rác thải nhựa mà con cá nuốt phải”, ông Blatchey nói. “Có tổng cộng 16 túi bao bố đựng gạo, túi đựng thực phẩm ở các cửa hàng tạp hóa, túi bọc quả ở các trang trại trồng chuối và nhiều loại túi nilon khác được tìm thấy trong bụng con cá”.
Đáng chú ý, số túi nhựa được tìm thấy nhiều đến nỗi, một vài trong số chúng đã bắt đầu hóa vôi.
Theo ông Blatchey, những sinh vật biển có vú như cá voi và cá heo không trực tiếp uống nước từ đại dương, thay vào đó, chúng hấp thụ nước từ thức ăn của mình. Con cá tử vong vì “đói và khát”, nó không thể tiêu hóa nổi thức ăn sau khi nuốt phải quá nhiều rác thải nhựa, theo ông Blatchey.
Các nhà sinh vật học tại Bảo tàng D’s Bone Colletor miêu tả trải nghiệm lần này thật “ kinh khủng” và cho hay đây là lần đầu tiên họ thấy một lượng rác thải nhựa khủng khiếp đến thế trong bụng một con cá voi.
Hiện Bảo tàng D’s Bone Collector đang kêu gọi sự vào cuộc của chính phủ Philippines trước những hành vi “ hủy hoại và biến đại dương thành bãi rác” của người dân nước này.
Peter Kemple Hardy, thành viên của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới gọi cái chết đáng tiếc của con cá là “ lời cảnh tỉnh đầy chua xót” cho việc cộng đồng cần “ chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”, chấm dứt tình trạng môi trường biển bị ô nhiễm do rác thải gây ra.
“Hàng nghìn con cá voi, cá heo, hải cẩu và rùa biển bị sát hại mỗi năm do rác thải biển, bao gồm cả đồ nhựa dùng một lần và rác thải từ ngành công nghiệp đánh cá”, Peter nói.
Theo ông Mark Simmonds, nhà nghiên cứu sinh vật biển dày dặn kinh nghiệm tại Tổ chức Nhân đạo Thế giới, cái chết của con cá voi một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về “cơn khủng hoảng toàn cầu mà các mảnh vỡ biển đang gây ra cho các loài động vật” kèm theo lời cảnh báo rằng cơn khủng hoảng sẽ trở nên“ nằm ngoài tầm kiểm soát” nếu những loài động vật như cá heo, cá voi… không được nghiên cứu và bảo tồn.
“Hoặc thế giới nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải trên biển và đại dương hoặc thảm kịch này sẽ lan rộng trong tương lai”, ông Mark Simmonds kết luận.