Quyết định của Pfizer dựa trên dữ liệu ban đầu từ một thử nghiệm đang diễn ra cho thấy liều vaccine thứ 3 có thể đẩy mức kháng thể lên gấp 5 đến 10 lần.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết, những người Mỹ đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 không cần tiêm mũi tăng cường vào thời điểm này.
Dữ liệu từ Israel và Anh cho thấy rằng ngay cả khi mức độ kháng thể suy yếu, vaccine vẫn có hiệu quả khoảng 95% đối với người mắc bệnh nặng.
Một số nhà khoa học cũng hoài nghi về sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại. Giám đốc khoa học của Pfizer, Mikael Dolsten, cho biết sự sụt giảm hiệu quả của vaccine được báo cáo gần đây ở Israel chủ yếu là do các ca tái nhiễm ở những người đã tiêm vaccine từ tháng 1 hoặc tháng 2.
Bộ Y tế Israel cho biết hiệu quả vaccine trong việc ngăn ngừa cả việc lây nhiễm và mắc bệnh có triệu chứng đã giảm xuống còn 64% vào tháng 6.
Xem thêm: Vì sao sống chung với Covid-19 không giống như cúm mùa?
Giám đốc khoa học của Pfizer từng nói vaccine của hãng này có hoạt tính cao trước biến thể Delta. Nhưng sau 6 tháng, ông Dolsten lại nói "có thể có nguy cơ tái nhiễm khi các kháng thể, như đã dự đoán, sẽ suy yếu".
Pfizer đã không công bố toàn bộ dữ liệu của Israel, nhưng cho biết dữ liệu sẽ sớm được công bố. "Đó là một tập hợp dữ liệu nhỏ, nhưng tôi nghĩ xu hướng là chính xác: 6 tháng sau, Delta là biến thể dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng thấy, nó có thể gây nhiễm trùng và bệnh nhẹ", ông Dolsten nói.
Trong tuyên bố chung, FDA và CDC cho biết họ sẵn sàng cấp phép cho việc dùng liều vaccine tăng cường khi giới khoa học chứng minh chúng cần thiết.
Ông Dolsten cho biết dữ liệu ban đầu từ các nghiên cứu của chính công ty cho thấy liều tăng cường tạo ra mức kháng thể cao hơn từ 5 đến 10 lần so với sau liều thứ hai, cho thấy liều thứ 3 sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ đầy hứa hẹn.
Tiến sĩ William Schaffner, một chuyên gia về vaccine tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết ngay cả khi Pfizer thành công trong việc nhận được sự cho phép của FDA, đó chỉ là bước đầu tiên. Việc tăng cường vẫn cần được các cố vấn của CDC xem xét và đề xuất.
Bởi vì việc tiêm mũi tăng cường sẽ thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng đối với vaccine trong khi phần lớn thế giới còn chưa được tiêm chủng.
Ông Dolsten cho biết Pfizer đang tìm cách để thúc đẩy sản xuất. Hãng đã đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều trong năm nay và 4 tỷ liều vào năm sau.
Dolsten cũng cho biết Pfizer và BioNTech đang thiết kế một phiên bản vaccine mới nhắm vào biến thể Delta, nhưng không tin rằng phiên bản hiện tại cần được thay thế.