Ông Trump đã sử dụng bản đồ này trong cuộc họp về bão Dorian ở Phòng Bầu dục hôm 4/9 sau khi thông báo sai rằng Alabama là một trong số các bang chịu ảnh hưởng bởi bão qua một dòng tweet 3 hôm trước.
Khoảng 20 phút sau khi Trump đăng dòng tweet, Văn phòng Dịch vụ Thời tiết Quốc gia ở Birmingham đã lập tức đăng dòng tweet khẳng định: “Alabama sẽ KHÔNG bị ảnh hưởng bởi Dorian”.
James Spann, một nhà khí tượng học nổi tiếng trên đài phát thanh ở Alabama, cũng phản ứng lại với tuyên bố sai lầm của tổng thống. “Tôi không có hứng thú với chính trị. (Nhưng) Dorian sẽ không ảnh hưởng đến Alabama dưới bất kỳ hình thức nào. Đó không phải là một tuyên bố chính trị”, ông Spann viết trên Twitter.
Dòng tweet của Trump sau đó được phóng viên Jonathan Karl kiểm tra trên ABC World News, khiến tổng thống đả kích phóng viên, gọi đó là một báo cáo về cơn bão giả mạo của (một) phóng viên hạng nhẹ. Ông Trump tiếp tục tuyên bố - mà không cần trích dẫn bất kỳ nguồn nào và trái với dự báo của chính phủ - rằng, trong một số tình huống ban đầu, thực tế chính xác là Alabama có thể “bị ảnh hưởng”.
Và trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục, ông Trump nhân đôi sai lầm khi sử dụng tấm bản đồ dường như được ai đó thêm nét vòng đen làm sai lệch đường đi của siêu bão kéo dài tới đông nam bang Alabama.
Tổng thống Trump phủ nhận biết về sự việc. Khi được hỏi liệu tấm bản đồ có bị vẽ thêm hay không, Trump nói: “Tôi không biết, tôi không biết”. Ông cũng nói rằng cuộc họp bao gồm “xác suất 95%” bang Alabama sẽ bị ảnh hưởng.
Người phát ngôn của Nhà Trắng và Dịch vụ thời tiết quốc gia hiện chưa ra bình luận nào.
Vụ việc gây náo động trên mạng xã hội với hàng loạt suy đoán về việc tổng thống hay một phụ tá nào đó nóng lòng muốn gây ấn tượng chịu trách nhiệm cho sự sai lệch của bản đồ.
Nhà báo thời tiết Dennis Mersereau cho hay, theo luật liên bang, việc thay đổi dự báo thời tiết chính thức của chính phủ là trái luật.