Người đàn ông họ Lim chia sẻ sự việc trên facebook cá nhân với bức ảnh sách vở bị xé nát và dòng ghi chú: “Này các thầy cô, tôi vừa xé nát sách giáo khoa và vở bài tập của con tôi. Tôi xin lỗi nhưng cháu phải đi ngủ”.
Mọi việc bắt đầu khi vợ Lim thức giấc lúc rạng sáng để đi vệ sinh. Cô nhận ra đèn trong phòng con trai vẫn chưa tắt. Khi mở cửa phòng, người mẹ trẻ hoảng hốt khi thấy con trai ngủ gục trên bàn thay vì trên giường. Cô điện báo cho chồng, khi đó không ở nhà, rằng con trai phải chép phạt 22 trang từ sách giáo khoa.
Khi trở về, Lim điềm đạm hỏi con: “Con có thể hoàn thành việc này không, con trai?”. Cậu bé trả lời: “Con không thể”.
Kết quả là như chúng ta đã biết. Số sách giáo khoa và vở bài tập không còn nguyên vẹn. Lim giải thích rõ cho con lý do anh có hành động bất mãn như vậy. Đây quả thực là việc “cực chẳng đã” của ông bố người Đài Loan vì trước đó, Lim cố gắng trao đổi với các giáo viên về số lượng bài tập về nhà của con. Tuy nhiên, các giáo viên nói rằng nếu giảm tải cho con trai Lim sẽ là không công bằng với các bé khác. Và họ vẫn yêu cầu cậu bé hoàn thành bài tập và cho cậu thêm thời gian.
Nhưng đó không phải là vấn đề. Lim cho rằng chép phạt là một việc làm vô nghĩa khi đứa trẻ chỉ chép lại con chữ trong sách giáo khoa mà không đọc hiểu kỹ nội dung.
“Ngay cả tôi, một người lớn, còn không thể hoàn thành việc chép phạt đúng hạn thì sao con tôi có thể”, Lim nói. Ông bố trẻ cho biết anh muốn hỗ trợ cho con chứ không phải hủy hoại cậu bé.
Con trai Lim theo mô tả là người rất độc lập và yêu thích chụp ảnh. Thực tế, cậu bé đã học cách chụp ảnh sao cho đẹp và chỉnh sửa video dù còn rất nhỏ tuổi. Ngoài ra, cậu bé còn rất giỏi chơi thể thao.
Theo ý kiến của ông bố trẻ, hệ thống giáo dục hiện tại đang “giết chết” tài năng của cậu con trai khi triệt tiêu hết đam mê của cậu bé bằng cách bắt cậu chép lại nội dung sách giáo khoa. Lim khẳng định sẽ không để chuyện này tiếp diễn. Ông bố trẻ quyết định chuyển con đến ngôi trường mới tốt hơn. Với Lim, giấc ngủ và sự hạnh phúc của con quan trọng hơn những thành tích ảo trong học tập.