Mực nước ở sông Dương Tử đang giảm nhanh chóng do hạn hán và đợt nắng nóng ở khu vực phía tây nam của Trung Quốc.
Đợt nắng nóng khắc nghiệt trên lưu vực của con sông dài nhất Trung Quốc đến nay đã kéo dài hơn hai tháng, làm gián đoạn nguồn thủy điện và làm khô cạn một khu vực đất canh tác lớn.
Theo đó, có khoảng 820.000ha đất canh tác từ Tứ Xuyên đến An Huy bị thiệt hại, ảnh hưởng đến 830.000 người cũng như 160.000 gia súc, chủ yếu ở các khu vực sống dựa vào các hồ chứa nhỏ hoặc suối trên núi để tưới tiêu.
Lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử đã thấp hơn khoảng 45% so với bình thường kể từ tháng 7, và nhiệt độ cao có thể sẽ còn kéo dài trong ít nhất một tuần nữa.
Mực nước sông Dương Tử hạ xuống thấp làm lộ ra một hòn đảo ở khu vực thành phố Trùng Khánh, phía Tây Nam Trung Quốc. Theo đó, trên hòn đảo này có 3 tượng Phật giáo được cho là đã 600 năm tuổi.
Đài truyền hình CCTV cho biết có tới 66 con sông tại 34 quận ở Trùng Khánh đã khô cạn.
Tại châu Âu, hạn hán cũng làm lộ ra những kho báu bị chìm dưới nước. Ở Tây Ban Nha, các nhà khảo cổ học đã rất vui mừng khi phát hiện khu vực có các phiến đá thời tiền sử tại một con đập cạn nước. Các nhà khoa học gọi đây là "Spanish Stonehenge", tương tự như các tượng đá Stonehenge ở nước Anh.
Hàng chục xác tàu chiến của Đức quốc xã bị đánh chìm trong Thế chiến thứ II cũng lộ ra tại con sông dài thứ hai châu Âu là Danube do mực nước con sông này giảm xuống.
Hàng trăm tàu thuộc một hạm đội của Đức quốc xã đã bị đánh đắm dọc sông Danube vào năm 1944 khi trên đường rút lui để tránh các đợt tấn công của Hồng quân Liên Xô.
Hãng tin Reuters đưa tin, nhiều xác tàu vẫn còn nguyên vũ khí, đạn dược và chất nổ đe dọa an toàn cho tàu bè qua lại.
Bên cạnh việc còn chứa các vật liệu nổ, một số tàu vẫn còn nguyên tháp chỉ huy và các cấu trúc khác đe dọa làm vỡ thuyền của ngư dân hoặc tàu bè khi mực nước xuống bởi hạn hán.