Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Nơi phạm nhân không muốn ra tù

Đỗ Quyên (Người Lao Động) Theo dõi Saostar trên google news

Nhà tù không lính gác, không vũ khí, tù nhân thậm chí còn được giữ chìa khóa buồng giam nhưng không ai nghĩ tới việc bỏ trốn.

Renato Da Silva Junior nuôi tham vọng trở thành luật sư. Trở ngại duy nhất là anh ta mới đi được 1/4 chặng đường của án tù 20 năm vì tội giết người.

Ngỡ ngàng

“Ước mơ của tôi lớn hơn những tội lỗi”, tù nhân 28 tuổi chia sẻ. “Tôi đang làm tất cả để ra khỏi đây sớm nhất có thể”. Hiện Da Silva thụ án trong nhà tù ở Itaúna, một thị trấn thuộc TP Minas Gerais, Đông Nam Brazil. Đáp lại những ăn năn hối cải thành khẩn của Da Silva, bản án đã giảm dần và tới nay còn 2 năm lao động và nghiên cứu tại nhà tù của Hiệp hội Bảo vệ và Hỗ trợ phạm nhân (APAC). Ở đây, tù nhân được mặc quần áo riêng, tự nấu ăn và tự chịu trách nhiệm về an ninh. Mỗi phòng giam ở APAC đều không có lính gác hay cai tù, không vũ khí, tù nhân thậm chí còn được giữ chìa khóa.

Bất cứ ai đến thăm nhà tù nói trên đều không khỏi ngỡ ngàng, xóa tan mọi hình dung về hệ thống nhà tù ở Brazil vốn nổi tiếng đông đúc, dơ bẩn hoặc tình trạng băng đảng lộng hành. Các vụ bạo động gây chết người như cơm bữa là một trong những nguyên nhân khiến nhà tù ở Brazil được xem như bom hẹn giờ. Nhiều tù nhân bị đày đọa trong những điều kiện vô nhân đạo với rất ít cơ hội cải tạo. Quốc gia Nam Mỹ này có lượng tù nhân lớn thứ tư thế giới.

Tại Itaúna, cánh cửa chính của trại giam dành cho nam giới do David Rodrigues de Oliveira, một người đang ở chế độ phục hồi, giữ chìa khóa. Các tù nhân ở đây được phân loại thành 3 cấp độ: đóng, bán mở hoặc mở. Trái ngược các nhà tù chính thống, các tù nhân APAC được phân biệt bằng tên thay vì đánh số. “Tôi không có ý nghĩ bỏ trốn. Tôi đã gần đi tới cùng trong việc trả giá cho tội ác của mình. Họ đặt niềm tin ở tôi và tôi có trách nhiệm canh cửa”, tù nhân 32 tuổi Da Oliveira trải lòng. “Bước tiếp theo, tôi sẽ được thả có điều kiện, tức có thể ra ngoài mỗi tuần một lần. Tôi còn gia đình. Tôi không đời nào làm liều”.

APAC quy định không tù nhân nào được ở lại buồng giam trừ khi bị bệnh hay bị phạt, tất cả đều phải duy trì công việc và nghiên cứu hàng ngày theo yêu cầu. Còn một lý do nữa khiến các tù nhân tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu nghiêm ngặt của APAC, đó là chỉ cần vi phạm cũng như tìm cách vượt ngục, họ sẽ trở lại cuộc đời khốn khổ trong hệ thống nhà tù chính mà ai cũng đã nếm trải trước đó.

Tù nhân Rodrigo de Oliveiro Pinto trông coi nhà kho tại nhà tù ở Itaúna Ảnh: GUARDIAN

Rào cản

Theo Guardian, hệ thống nhà tù APAC được thành lập năm 1972 nhằm tạo ra những nhà tù có tính nhân đạo thay thế nhà tù truyền thống. Với mục đích cải tạo các tù nhân đã tỏ ra hối cải, hệ thống này nay đã vươn tới con số 49 nhà giam ở Brazil và có các chi nhánh ở Costa Rica, Chile và Ecuador. Đáng nói là chi phí duy trì kiểu nhà tù này đỡ tốn kém hơn trong khi tỉ lệ tái phạm của tù nhân thấp hơn.

Nhà nghiên cứu Ana Paula Pellegrino thuộc Viện Igarape ở Rio de Janeiro cho biết nhà tù APAC khôi phục lại sự gắn kết xã hội của phạm nhân bằng cách cho phép họ làm việc cho cộng đồng. “Một số tù nhân có thể ra ngoài quét đường, khiến họ có cảm giác trách nhiệm và là một phần của cộng đồng“, nữ chuyên gia nói thêm.

Ở khu vực bán mở của nhà tù, Rodrigo de Oliveiro Pinto, 35 tuổi, rất thích công việc yên tĩnh ở nhà kho, nơi tù nhân này có thể nhấm nháp vài bài thơ. Bị kết án 12 năm tù vì tội giết người, Pinto thổ lộ anh vẫn muốn làm việc cho APAC sau khi mãn hạn. Anh chia sẻ: “Từ khi đến đây, tôi đã thay đổi. Tôi muốn trở lại để giúp đỡ người khác”.

Ở khu giam kín, triết lý của APAC được viết trên tường, với những khẩu hiệu như: “Con người bước vào đây, tội ác để lại bên ngoài”. Tù nhân trong khu này là những thành phần bất hảo nhất nhưng cảm giác chung khi tới đây là an toàn và bình tâm. Trong khu vực này có một phòng đồ gỗ dành cho những người mới đến. “Họ từng dùng đôi tay mình để phá hoại nên nay họ phải làm điều gì đó đẹp đẽ bằng đôi tay đó. Tới khi được tới khu vực bán mở, họ sẽ làm công việc này ở ngoài chứ không phải bên trong những cánh cửa khép kín“, Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển con người AVSI Brazil Jacopo Sabatiello cho hay.

Trong khu vườn phía sau tòa nhà, Renato Diego Da Souza, 31 tuổi, làm công việc dán nhãn lên các chai xà bông. Các tù nhân còn nướng bánh mì cho các trường học địa phương và sản xuất phụ tùng nhựa cho xe hơi. Da Souza kể lại rằng nghiện ma túy đã đẩy anh sa chân vào một băng cướp có vũ trang nhưng ánh sáng cuối đường hầm đã xuất hiện khi anh mới được chuyển sang chế độ bán mở. Cơ hội được chuyển lên những chế độ tự do hơn trở thành động lực lớn cho mỗi tù nhân phấn đấu từng ngày.

Trong khi đó, ở phía bên kia của thị trấn, tại khu vực mở của nhà tù APAC dành cho nữ giới, tù nhân Aguimara Campos, 30 tuổi, hào hứng giải thích vai trò chủ tịch của cô với một hội đồng 8 thành viên, chuyên bảo vệ lợi ích của tù nhân cũng như làm cầu nối với chính quyền. Bị kết án buôn lậu ma túy sau khi 26 g cocaine được phát hiện trong nhà mình, Aguimara ban đầu rơi vào một phòng giam chen chúc với 29 phụ nữ khác trong nhà tù chính thống. Cô chia sẻ cuộc đời cô đã sang một trang mới tươi sáng hơn khi được chuyển sang nhà tù APAC.

Với những thành công trông thấy như vậy, tại sao không nhân rộng hơn những nhà tù APAC? Theo lời ông Sabatiello, mỗi lần xảy ra bạo loạn trong nhà tù ở Brazil, người ta lại thôi thúc muốn mở một nhà tù APAC trong khu vực đó. Thế nhưng, điều này không đơn giản bởi những rào cản từ chính trị, tài chính, tham nhũng…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đỗ Quyên (Người Lao Động)

Được quan tâm

Tin mới nhất