Tại thành phố Calgary (Canada), ngoại trừ thời gian làm công việc của một kế toán, huấn luyện bóng đá và ăn uống cùng hàng xóm, bà Christianne Boudreau đều dành từng phút một để theo dõi các đoạn video về Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phát trên các phương tiện truyền thông.
Ngồi dưới tầng hầm của một ngôi nhà nhỏ khiêm nhường ở ngoại ô, nơi từng là phòng ngủ của người con trai cả Damian, bà Christianne không rời mắt khỏi hình ảnh mấy cậu thanh niên đang ôm những khẩu súng lớn xuất hiện trên màn hình vi tính. Mỗi ngày, bà đều theo dõi những vụ nổ bom và những cuộc hành quyết của IS.
Nhưng thực ra, bà Christianne không quan tâm mấy đến những vụ giết chóc đẫm máu ấy. Bà chỉ nhìn chăm chăm vào những gương mặt che giấu sau những chiếc khăn trùm đầu với hy vọng bắt gặp được đôi mắt quen thuộc của con trai bà.
Tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), bà Karolina Dam lúc nào cũng sống trong trạng thái sợ hãi. Con trai Lukas của bà đã ở Syria suốt 7 tháng nay. 3 ngày trước, bà vừa nhận được tin Lukas bị thương ở ngoài khu vực Aleppo nhưng buộc lòng phải tự nhủ rằng con trai mình đã chết.
Ngồi lặng thinh trong bóng chiều buổi hôm ấy, một tay bà run run cầm bình xịt tưới cây, trong khi tay còn lại bấm những dòng tin nhắn Viber đến số điện thoại của con trai mình: “Lukas, mẹ yêu con rất nhiều, con trai yêu dấu của mẹ. Mẹ nhớ con, muốn ôm con thật chặt và hít hà mùi hương của con. Mẹ muốn nắm lấy bàn tay mềm mại của con và mỉm cười với con”.
Nhưng chẳng có lấy một tin nhắn trả lời. Một tháng sau, bà Karolina nhận được một tin nhắn hồi đáp nhưng đó không phải là Lukas của bà.
Tin nhắn viết: “Thế còn tay tôi thì sao hehe”.
Bà Karolina không biết ai đã đăng nhập vào điện thoại hay tài khoản Viber của con trai bà nhưng bà đã vô cùng tuyệt vọng khi đọc những dòng chữ ấy.
Cố gắng giữ bình tĩnh, bà nhắn lại: “Tay con cũng được nhưng cô vẫn muốn nắm tay Lukas nhất”.
Người kia lại hỏi: “Thế bà nghĩ bà có thể chịu đựng được tin mà tôi sắp nói ra đây không?”
Karolina trả lời: “Được chứ con”.
Vài giây sau, đầu bên kia trả lời: “Con trai bà đã tan thành trăm mảnh rồi”.
Tại thủ đô Oslo (Nauy), bà Torill biết về cái chết của con trai mình, Thom Alexander, từ người tuyển mộ đã đưa cậu đến Syria chiến đấu. Để chắc chắn đó là sự thật, hai cô con gái của bà - Sabeen và Sara đã đến gặp người đàn ông đó ở nhà ga tàu hỏa ở thủ đô Oslo. Hắn lướt ngón tay chầm chậm qua vài bức ảnh trên iPad và dừng lại ở bức ảnh Thom Alexander bị bắn ở giữa đầu với một con mắt lòi ra ngoài.
Khi nhận tin dữ, bà Torill đã ngã khuỵu xuống và nằm liệt giường cả tuần. Đến khi bà có thể dùng hết sức bình sinh để gượng dậy tắm rửa, thay đồ, bà mới có dịp nhìn thấy mình qua phản chiếu từ tấm gương treo trong nhà tắm. Lúc ấy, bà nhận ra rằng vẻ ngoài của mình cũng y hệt như cảm giác bên trong: “Vỡ vụn như một cái vại”.
Tại Bỉ, bà Saliha Ben Ali, con gái của một người nhập cư mang hai dòng máu Marốc và Tunisia đang tham dự một hội nghị hỗ trợ nhân đạo thì cảm thấy dạ dày đau nhói. Bà đã không có cảm giác đau đớn như thế này suốt nhiều năm qua. “Cảm giác ấy giống như bạn đang mang thai và đứa bé sắp chào đời”, bà chia sẻ. Hôm đó, bà trở về nhà sớm và khóc suốt cả đêm.
Ba ngày sau, chồng bà nhận được một cú điện thoại gọi đến từ Syria. Một người đàn ông thông báo rằng con trai Sabri 19 tuổi của họ, một cậu bé yêu nhạc reggae (một thể loại nhạc rock) và thường hay thảo luận với mẹ về tình hình thế giới, đã chết ngay cái ngày mà bà Saliha gặp cơn đau kỳ lạ.
Bà Saliha lúc này mới nhận ra rằng cơn đau bụng y như lúc sinh Sabri hôm trước chính là dấu hiệu mà cơ thể người mẹ của bà mách bảo tin dữ con trai mình đã qua đời.
Lời kết
Những người phụ nữ vừa kể trên chỉ là 4 trong số hàng nghìn người mẹ mất con vào tay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu từ 4 năm trước, khoảng 20.000 người ngoại quốc đã lên đường đến Syria và Iraq để đầu quân cho nhiều đảng phái Hồi giáo cực đoan. Trong đó có hơn 3.000 người đến từ các nước phương Tây.
Trong khi nhiều người con ra đi trong lời cầu chúc của gia đình, một số khác lại âm thầm rời bỏ gia đình hoặc giả vờ như đó là một chuyến đi xa bình thường. Cha mẹ họ ở lại quê nhà từ đó sống trong nỗi bất an mỗi ngày. Họ đau đớn khi mất đi đứa con yêu thương của mình. Họ cảm thấy có lỗi vì những gì con mình đã làm. Họ xấu hổ khi bạn bè và hàng xóm nhìn họ với ánh mắt thù địch. Họ nghi ngờ về tất cả những gì mình đã từng biết về đứa con mà họ mang đến thế giới này.
Trong suốt năm qua, vô vàn bà mẹ trên khắp thế giới đã tìm thấy nhau và gắn kết cùng nhau qua những mất mát đồng cảnh ngộ. Điều họ mong muốn nhất lúc này là làm được những điều ý nghĩa sau những điều vô nghĩa đã dẫn đến cái chết cho con cái của họ.