Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Những 'ốc đảo miễn dịch giữa tâm bão Covid-19 của thế giới

Trong khi Ấn Độ và Brazil gồng mình đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng chưa từng có, một số nơi ở những tâm dịch này được coi là những "ốc đảo miễn dịch".

"Ốc đảo miễn dịch" nhờ vắc xin Covid-19

Hy vọng đã trở lại Serrana, một thành phố nhỏ ở Brazil, sau khi gần như toàn bộ người dân trưởng thành ở đây được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. "Mọi thứ gần như đã trở lại bình thường, không khí rất khác, nhẹ nhõm và vui tươi hơn nhiều. Chúng tôi cảm thấy an toàn trong khi những thành phố khác xung quanh chúng tôi vẫn đang rất chật vật (đối phó Covid-19)", Ricardo Luiz, chủ một nhà hàng ở Serrana, chia sẻ.

Phép màu giúp Serrana trở lại cuộc sống trước đại dịch là bởi thành phố này được chọn trở thành nơi thử nghiệm nghiên cứu của Instituto Butantan, công ty sản xuất vaccine CoronaVac do Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển ở Brazil. Dự án nghiên cứu mang tên Project S được tiến hành từ đầu năm nay.

Luiz cho biết, công việc kinh doanh của anh đã phục hồi gần như trước đại dịch sau khoảng một năm chật vật. Hiện nhà hàng đã có thể đạt doanh thu bằng 70% doanh thu trước đại dịch. "Mọi người cảm thấy an toàn khi ra khỏi nhà... Hiện giờ hiếm khi nghe thấy có ca nhiễm mới hay cả tử vong mới", Luiz nói và cho biết rằng hiện giờ người dân đã thoải mái đi lại, lui tới các địa điểm công cộng.

Những 'ốc đảo miễn dịch giữa tâm bão Covid-19 của thế giới Ảnh 1
Serrana trở thành "ốc đảo miễn dịch" nhờ tiêm chủng vắc xin Covid-19 (Ảnh: AP).

Brazil là một trong những tâm dịch Covid-19 với số ca tử vong cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Brazil chuẩn bị đối đầu với làn sóng Covid-19 thứ ba sau khi hệ thống y tế đã kiệt quệ bởi làn sóng Covid-19 thứ hai. Đến nay, chỉ khoảng 10% dân số Brazil được tiêm chủng đầy đủ.

Tuy nhiên, người dân ở Serrana đang trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác với hầu hết những nơi còn lại của đất nước.

Mùa xuân năm nay, các nhà nghiên cứu đã tiến hành tiêm chủng đủ hai liều cho hơn 27.000 người trưởng thành hay tương đương 95% dân số trưởng thành của thành phố này. Họ sử dụng CoronaVac, một loại vắc xin của hãng dược Sinovac Trung Quốc cho hiệu quả phòng ngừa 50,8% trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Theo dự án này, Serrana được chia thành 4 khu vực để tìm hiểu đâu là ngưỡng ngăn chặn Covid-19. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, dịch được kiểm soát sau khi 3 khu vực tiêm xong liều thứ hai

Theo báo cáo được các nhà nghiên cứu công bố hôm 1/6, dự án Project S đã giúp giảm 80% số ca có triệu chứng, giảm 86% số ca phải nhập viện liên quan đến Covid-19, giảm 95% tỷ lệ tử vong. Dự án nghiên cứu được cho là đã tạo ra một "vành đai miễn dịch" bao bọc Serrana giữa các nơi khác của Brazil vẫn đang chật vật ứng phó đại dịch.

"Điều quan trọng là chúng tôi có thể kiểm soát đại dịch mà không cần tiêm chủng toàn bộ cư dân. Khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70% đến 75%, đà lây lan giảm đáng kể, thậm chí ở cả nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ", ông Ricardo Palacios, giám đốc nghiên cứu lâm sàng của Viện Butantan, Brazil, cho biết.

Tuy vậy, khi chưa có các đánh giá hoàn thiện và đánh giá tầm quốc tế, không phải ai cũng ăn mừng hay vội từ bỏ các biện pháp phòng dịch. Người dân Serrana vẫn được khuyến cáo duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người.

Jose Angelo Marques, chủ một salon ở Serrana đã được tiêm chủng đầy đủ hồi tháng 4, cho biết cơ sở kinh doanh của anh vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo phòng dịch của chính quyền bang Sao Paulo như giãn cách xã hội. Anh cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ cho đến khi cảm thấy an toàn hơn. "Tôi muốn thấy những con số cụ thể. Nó sẽ khiến tôi cảm thấy an toàn hơn", Marques nói. Năm ngoái, vợ chồng anh và bố mẹ anh đều mắc Covid-19, hoặc triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng bố anh - bệnh nhân 81 tuổi - đã qua đời vì Covid-19 chỉ sau chưa đầy một tháng.

Sạch bóng Covid-19 ở tâm dịch Ấn Độ

Những 'ốc đảo miễn dịch giữa tâm bão Covid-19 của thế giới Ảnh 2
Mặc dù cơ sơ hạ tầng thiếu thốn, nhưng nhiều ngôi làng ở Ấn Độ vẫn sạch bóng Covid-19 (Ảnh: AFP).

Tại Ấn Độ khi làn sóng Covid-19 hoành hành các đô thị lớn và tiếp tục càn quét các vùng nông thôn, một số ngôi làng ở đây vẫn được coi là "thành trì" ngăn Covid-19 dù chưa tiêm chủng vắc xin.

Theo India Express, 9 ngôi làng ở Ấn Độ đến nay vẫn chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào nhờ người dân có tính kỷ luật cao, chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng dịch như cách ly xã hội, đeo khẩu trang bắt buộc.

Ví dụ, Rampur Ratnakar, ngôi làng với 9.000 người dân thuộc quận Vaishali, bang Bihar chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào cũng nhờ chính sách cách ly 14 ngày đối với những người từ bên ngoài đến hay công dân từ nơi khác trở về. Một quan chức địa phương cho biết, toàn bộ người dân, từ trẻ con đến người lớn đều đeo khẩu trang. "Khi làn sóng Covid-19 đầu tiên bùng phát, chúng tôi đã đi khắp làng để vận động, nâng cao ý thức của người dân", ông Nirala nói. Hiện làng này, khoảng 60% người trên 60 tuổi và 5% người trên 18 tuổi đã được tiêm chủng.

Làng Chanapora ở quận Pulwama cũng chưa ghi nhận ca Covid-19 nào mặc dù Pulwama đã có gần 14.000 người mắc bệnh. Một người dân địa phương cho hay, người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông và tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội, tránh đi lại nhiều.

Trong khi đó, bí quyết "miễn dịch với Covid-19" của làng Shikdamakha ở bang Assam, đông bắc Ấn Độ, là đóng cửa hoàn toàn với người từ nơi khác đến. "Chúng tôi không ra ngoài khi không có lý do cần thiết, đeo khẩu trang và khử khuẩn. Do người dân chủ yếu làm nghề nông nên cả ngày làm việc trên đồng ruộng, rất ít giao tiếp với người khác. Nhiều người trẻ làm việc ở thành phố, nhưng chúng tôi chưa cho họ trở về vì lo ngại dịch bệnh lây lan", ông Horsing Kholai, một cựu quan chức địa phương, cho biết.

Những ngôi làng này được xem là những thành trì chống dịch hiếm hoi khi làn sóng Covid-19 thứ hai tàn phá Ấn Độ với mức độ chưa từng có. Đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng gần 29 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 350.000 người đã tử vong.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dân Trí

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất