Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Những lần liên lạc 'khiếp vía' của nhà nghiên cứu Ấn Độ với bộ tộc khó tiếp cận nhất thế giới

Nhắc đến bộ tộc Sentinel - nhóm người được cho là khó tiếp cận nhất thế giới, có lẽ không ai hiểu rõ hơn nhà nghiên cứu người Ấn Độ T N Pandit.

Với tư cách trưởng khu vực thuộc Bộ Các vấn đề Bộ tộc Ấn Độ, ông Pandit bắt đầu và thường xuyên thăm đảo Bắc Sentinel, thuộc quần đảo Andaman và Nicobar, vịnh Bengal - nơi bộ tộc Sentinel sinh sống - trong vài thập kỷ gần đây.

Ông Pandit trao dừa cho người của bộ tộc Sentinel trong lần hiếm hoi tiếp cận. Ảnh: TN Pandit

Tuần trước, bộ tộc Sentinel - vốn sống tách biệt hàng ngàn năm với nền văn minh - thu hút sự chú ý của dư luận thế giới khi được cho là gây ra cái chết của nhà truyền giáo người Mỹ John Allen Chau.

Tuy nhiên theo kinh nghiệm của ông Pandit, phần lớn thành viên bộ tộc Sentinel yêu hòa bình và tiếng xấu “khó tiếp cận nhất thế giới” là không công bằng với bộ tộc này.

“Trong những lần tiếp xúc của chúng tôi họ có hăm dọa nhưng không đến mức gây sát thương và giết chóc. Khi họ trở nên quá kích động, chúng tôi dừng lại. Tôi rất tiếc về cái chết của nhà truyền giáo trẻ. Nhưng cậu ấy đã phạm sai lầm. Khi có điều kiện để tự cứu mình mà cậu ấy lại do dự. Cái giá phải trả là cả mạng sống”, BBC's World Service dẫn lời nhà nghiên cứu người Ấn.

Lần đầu tiên ông Pandit đến thăm đảo Bắc Sentinel năm 1967 cùng đoàn thám hiểm. Ban đầu, người Sentinel trốn trong rừng để tránh người lạ. Những lần sau, họ bắn cung về phía đoàn thám hiểm.

Theo nhà nghiên cứu Ấn Độ, đoàn của ông mang theo một số đồ vật được chọn lựa cẩn thận để tìm kiếm sự liên lạc với bộ tộc Sentinel.

“Chúng tôi mang theo nhiều vật phẩm như nồi, chảo, búa, dao và số lượng lớn dừa. Cùng đi với đoàn là 3 người Onge (một bộ tộc địa phương khác). Những người này sẽ giúp chúng tôi dịch ngôn từ và hành động của người Sentinel.

Tuy nhiên, các chiến binh Sentinel lại tỏ ra giận dữ và trang bị đầy đủ cung tên. Tất cả chỉ để bảo vệ lãnh thổ của họ”, Pandit chia sẻ trong một bài viết.

Dù không thành công, đoàn thám hiểm vẫn để lại các vật phẩm làm quà để xây dựng mối quan hệ với cộng đồng bí hiểm này.

Một lần, đoàn bỏ lại một con lợn sống. Bộ tộc Sentinel lập tức đâm chết con vật và chôn dưới cát. Pandit và đoàn thám hiểm hiểu rằng thứ quà họ để lại không phù hợp.

Bắt liên lạc

Bộ tộc Sentinel chấp nhận cho đoàn thám hiểm tiếp cận năm 1991. Ảnh: Pandit

Sau vài lần thám hiểm tìm kiếm sự liên lạc, thành công đầu tiên đến với nhóm vào năm 1991 khi bộ tộc Sentinel tiếp cận đoàn ở ngoài biển trong hòa bình.

“Chúng tôi rất bối rối không hiểu vì sao họ lại cho phép chúng tôi tiếp cận. Dĩ nhiên, cuộc gặp diễn ra với những yêu cầu của bộ tộc Sentinel. Chúng tôi nhảy khỏi thuyền xuống vùng nước sâu tới cổ, đưa dừa và các quà tặng khác. Lần ấy, họ không cho phép chúng tôi đặt chân lên đảo”, nhà nghiên cứu 84 tuổi nói.

Pandit cũng chia sẻ rằng ông không quá lo lắng về việc bị tấn công nhưng luôn cẩn trọng khi ở gần người của bộ tộc Sentinel.

Các thành viên trong đoàn thám hiểm cố giao tiếp bằng cách ra hiệu với người Sentinel nhưng không thành công vì tay chân họ ngập những quà tặng.

“Những người Sentinel nói chuyện với nhau nhưng chúng tôi không hiểu ngôn ngữ của họ. Nó nghe gần giống với ngôn ngữ mà các bộ tộc khác trong khu vực sử dụng”, nhà nghiên cứu người Ấn kể lại.

“Không được chào đón”

Một thành viên bộ tộc Sentinel bắn tên về phía máy bay trực thăng. Ảnh: BBC

Trong một chuyến trao đổi mà Pandit không bao giờ quên, ông bị một thanh niên Sentinel đe dọa.

“Khi đưa dừa cho họ, tôi tách ra khỏi đoàn của mình và tiến gần về phía bờ biển. Một thanh niên Sentinel dùng dao ra hiệu cho tôi rằng sẽ cắt đầu tôi nếu còn bước lên bờ. Tôi lập tức gọi thuyền và cùng đoàn rút lui. Hành động của thanh niên kia không phải nói xuông. Rõ ràng, tôi không được chào đón lên đảo”, BBC dẫn lời Bandit cho hay.

Kể từ đó, chính phủ Ấn Độ bỏ những chuyến thám hiểm tặng quà. Người lạ mặt bị cấm tiếp cận hòn đảo.

Sự cô lập hoàn toàn của bộ tộc Sentinel đồng nghĩa với với việc nếu họ tiếp xúc với bất kỳ người lạ nào cũng có thể tăng khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm. Họ không thể miễn dịch với các loại bệnh thông thường như cúm hay sởi.

Pandit cho biết các thành viên đoàn thám hiểm luôn được kiểm tra sức khỏe cẩn thận trước mỗi chuyến đi.

Giới chức Ấn Độ cho biết nhà truyền giáo John Allen Chau không hề xin phép khi tiếp cận hòn đảo của người Sentinel. Chau thuê ngư dân địa phương với giá 354 USD để đưa mình tới đảo và tiến hành truyền giáo.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết BBC

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc