Cảnh người thân tìm kiếm và nhận xác nạn nhân sóng thần, hàng trăm tòa nhà cùng xe cộ bị phá hủy nghiêm trọng, những giọt nước mắt không ngừng rơi,... là những hình ảnh đầy ám ảnh sau cơn sóng thần tối 22/12 ở Indonesia.
Hình ảnh núi lửa Anak Krakatau nhìn từ trên cao trong một đợt phun trào hôm 23/12 tại eo biển Sunda, phía nam tỉnh Lampung, Indonesia. Theo các chuyên gia, hoạt động của núi lửa Anak Krakatau được cho là nguyên nhân dẫn đến trận sóng thần tối 22/12 tại eo biển Sunda, ảnh hưởng tới các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung. Ảnh: Reuters
Một người đàn ông bị thương nhìn xuống thi thể người thân khi ngồi trong xe cứu thương tại một nhà xác tạm thời. Theo thống kê mới nhất, trận sóng thần khiến ít nhất 281 người thiệt mạng, 1.016 người bị thương và 57 người mất tích. “Con số nạn nhân vẫn sẽ tiếp tục tăng lên”, Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Thảm họa Indonesia, cho biết. Ảnh: Getty
Chiếc ô tô bị phá hủy nặng nề sau thảm họa sóng thần ở Indonesia tối 22/12. Theo RTE, ngoài xe cộ, hàng trăm tòa nhà cũng bị phá hủy bởi cơn sóng dữ. Ảnh: Getty
Một phụ nữ kiểm tra lại ngôi nhà tan tác do thảm họa. Hầu hết người dân đều đã sơ tán khỏi vùng bị ảnh hưởng. Các chuyên gia lo ngại có thể vẫn còn các đợt sóng thần mới. Ảnh: AP
Người đàn ông tỏ ra đau đớn khi nhận diện được người thân trong số các thi thể nạn nhân tại Carita, Indonesia hôm 23/12. Trận sóng thần đã để lại hậu quả khủng khiếp và không được cảnh báo trước một phần do không đi kèm động đất. Ảnh: AP
Binh sĩ Indonesia di chuyển một túi đựng thi thể nạn nhân sóng thần hôm 23/12. Lực lượng cứu hộ vẫn chạy đua với thời gian để tìm kiếm và giải cứu nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ảnh: AP
Một người dân đứng nhìn đống đổ nát và các phương tiện bị hư hại khi sóng thần quét qua eo biển Sunda ở Anyer, Banten, Indonesia. Trận sóng thần tối 22/12 còn cuốn phăng cả một ban nhạc khi nhóm này biểu diễn trong sự kiện cuối năm. Ảnh: EPA
Mọi người tới tìm kiếm và nhận dạng người thân trong số thi thể các nạn nhân sóng thần tại Carita, Indonesia. Ảnh: AP
Những người sống sót sau thảm họa sóng thần tập trung tại một địa điểm trú ẩn tạm thời ở Tanjung Lesung hôm 23/12. Ảnh: AP
Ngôi nhà và nhiều phương tiện thiệt hại nghiêm trọng do sóng thần. Theo chuyên gia Teeuw, chính quyền Indonesia cần lập bản đồ địa hình đáy biển xung quanh núi lửa Anak Krakatau để dự báo nguy cơ lở đất, nhưng quá trình này sẽ cần nhiều tháng để lên kế hoạch và thực hiện. Ảnh: AP