Theo Reuters, câu chuyện của Auma không phải chuyện hiếm ở Uganda. Khi đến tuổi dậy thì và bắt đầu thấy kinh, khiều bé gái ở quốc gia châu Phi này đã phải nghỉ học. Lý do rất đơn giản: trường học không có nhà vệ sinh riêng với nguồn nước sạch và gia đình các em nghèo đến mức không đủ tiền để mua thứ hàng hoá nhập khẩu có giá đắt đỏ.
Thống kê của tổ chức Plan International cho thấy hàng trăm bé gái buộc phải nghỉ học và kết hôn sớm, bởi cha mẹ không đủ điều kiện mua sản phẩm vệ sinh cần thiết. Tệ hơn, nhiều cô bé bị ép quan hệ tình dục với người có thể mua băng vệ sinh cho mình. Không ít em có thai rồi nghỉ học giữa chừng.
Nghỉ học và tảo hôn
Ở một đất nước bảo thủ như Uganda, sức khoẻ dậy thì của bé gái vốn là chủ đề bị cấm thảo luận. Tuy nhiên, nó bắt đầu được dư luận chú ý trong năm qua, khi nhà hoạt động xã hội Stella Nyanzi, một giảng viên đại học, bị bắt giữ vì nêu đích danh tên Tổng thống Yoweri Museveni trên Facebook.
Nữ giảng viên cho biết Tổng thống đã nhiều lần hứa hẹn về việc cung cấp sản phẩm vệ sinh miễn phí cho trẻ em gái, song đến nay điều này vẫn chưa được thực thi. Nyanzi đồng thời chỉ trích phu nhân Janet Museveni, người giữ chức Bộ trưởng Giáo dục nước này, sau khi bà tuyên bố chính phủ không có đủ ngân sách để thực hiện. Không chỉ dừng lại ở đó, Nyanzi còn khơi động chiến dịch #Pads4GirlsUg, với mục đích gây quỹ và phân phát băng vệ sinh đến trường học.
Để xoa dịu dư luận, một quan chức chính phủ khẳng định Bộ Giáo dục đang đàm phán với một tổ chức từ thiện và công ty y tế về việc sản xuất sản phẩm vệ sinh cho bé gái.
Theo thống kê của UNICEF, 60% bé gái ở Uganga không được đi học tới nơi tới chốn, bởi nhà trường thiếu nhà vệ sinh riêng và các tiện ích cơ bản bản khác dành cho học sinh nữ mỗi khi đến kỳ. Con đường sau khi nghỉ học của đa phần những trường hợp này là kết hôn sớm.
Patrick Adupa, người đứng đầu chương trình bảo vệ trẻ em của Plan International tại Uganda, cho biết thiếu thiết bị hỗ trợ vệ sinh cho bé gái là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nghỉ học ngày càng cao. Hơn 40% bé gái không học hết tiểu học và chỉ 1/5 học tiếp cấp trung học cơ sở.
Dù chính phủ Uganda kết kết hôn sớm, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Cứ 10 bé gái chưa bước sang tuổi 18 đã có 4 em kết hôn, tỷ lệ lên xe hoa ở trẻ dưới 15 là 10%.
Tương lai nào cho các em
Auma là trường hợp khá may mắn. Mẹ em không ép lấy chồng và ở tuổi 15, cô thiếu nữ vẫn có thể đến trường.
Nhưng Christine Amusugut thì không được như vậy. Sau nhiều lần phàn nàn về việc dùng vải cũ, bà mẹ thẳng thừng nói con gái nên tìm một người chồng có đủ điều kiện. Cách đây ba năm, cô gái có học lực khá ở trường và mơ ước trở thành nữ y tá đã “bị bán” cho gia đình chồng với giá 40 USD.
“Hầu hết bạn bè của cháu đều bỏ học vì không có những thứ cơ bản như băng vệ sinh”, cô gái nói.
Đối với một quốc gia mức thu nhập của nhiều người chỉ dưới 1 USD/ngày như Uganda, chi phí mua sản phẩm vệ sinh 2 USD/tháng quả thực ngoài khả năng của họ. Sinh ra trong các gia đình nghèo khó, nhiều bé gái đã tận dụng vải cũ, lá khô, cỏ, giấy, thậm chí là xé sách vở để dùng tạm.
Vì không được tìm hiểu đầy đủ, nhiều đứa trẻ ở Uganda vẫn ngại ngần khi nhắc đến vấn đề giới tính, thậm chí coi kinh nguyệt là điều khủng khiếp. Ở một trường học nọ, học sinh nam còn nghĩ các bạn nữ đến kỳ là nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục, sau đó vẽ tranh trêu chọc. Bị tổn thương, nhiều bé gái đã nghỉ học và không quay trở lại để tránh bị bắt nạt.
Trước thực trạng này, Tổ chức Plan International kêu gọi giảm giá bán băng vệ sinh, xây dựng cơ sở vật chất và giới thiệu chương trình giáo dục giới tính ở trường học. Trong lúc chờ đợi các giải pháp từ chính phủ, nhiều tổ chức hoạt động xã hội đã mở câu lạc bộ sức khoẻ sinh sản nhằm nâng cao nhận thức về giới tính. Tại đây, các em cũng được hướng dẫn tự làm băng vệ sinh an toàn từ chất liệu giá rẻ.
Tuy nhiên, Adupa nhấn mạnh giải pháp quan trọng vẫn là giáo dục.
“Giáo dục là cách hiệu quả có thể ngăn chặn nạn tảo hôn. Bởi khi nghỉ học vì lý do kể trên, chuyện kết hôn sớm là khó tránh khỏi”.