Bạn có bao giờ nghĩ đến đống quần áo bạn đang vứt bừa phứa trên giường kia từ đâu mà ra không? Có một sự thật là, rất nhiều trong số trang phục mà ta đang mặc trên người kia là do những đứa trẻ đã vất vả để làm ra. Những năm gần đây, nhiều công ty, nhà máy đã cố gắng không ngừng để cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân may mặc của họ. Tuy nhiên lại có nhiều người không muốn như thế, nhất quyết không chịu tham gia vào nhóm 150 công ty thời trang hàng đầu thế giới trong chiến dịch đẩy mạnh an toàn và quyền lợi người lao động.
Nhiếp ảnh gia có tên Claudio Montesano Casillas đã tới Bangladesh để thâm nhập vào một nhà máy gia công quần áo trái phép, nơi nhân công là trẻ em và chúng phải làm việc trong điều kiện lao động vô cùng tồi tệ. Mọi hoạt động từ ăn, ngủ, nghỉ ngơi, tất cả đều diễn ra ở không gian bí bách vô cùng. Chỉ được nghỉ có nửa ngày một tuần, thời gian còn lại bọn trẻ phải may vá không ngừng hàng nghìn bộ quần áo.
“Trong những xưởng đó, họ phải làm việc 6 ngày liên tiếp và nửa ngày cuối tuần, từ sáng sớm tinh mơ tới khi tối mịt. Công nhân thường ngủ lại xưởng hoặc sang hơn thì thuê nhà trọ bên cạnh xưởng”, Claudio chia sẻ.
Năm 2013, thảm kịch đã xảy ra. Một nhà máy bị sập khiến cho 1.023 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Theo thống kê của chính phủ, 80% số xưởng sản xuất chui đều vẫn trong tình trạng an toàn. Syed Ahmed, thanh tra lao động cho biết đã có khoảng 1.475 xưởng may mặc đã bị xử phạt trong chiến dịch của chính phủ do Liên đoàn lao động, Canada, Hà Lan và Anh Quốc hậu thuẫn. Đây có lẽ là một khởi đầu khá tốt, thế nhưng cần phải có nhiều nỗ lực hơn để tình trạng lạm dụng lao động trẻ em mới hoàn toàn chấm dứt.