Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Những cái chết tuyệt vọng tại nhà vì COVID-19 ở Italy: 'Chúng tôi đã bị ruồng bỏ. Không ai đáng phải chịu kết cục như thế'

Phải mất 11 ngày điên cuồng gọi điện thúc giục lẫn cầu xin, Silvia Bertuletti mới thành công mời được một bác sĩ đến nhà khám bệnh cho người cha già 78 tuổi của mình.

Alessandro Bertuletti, bố của Silvia, phải chật vật chống đỡ trong nhiều ngày với tình trạng sốt cao và khó thở. Thế nhưng, khi cô dường như thấy được ánh sáng hy vọng lóe lên cuối con đường, cuộc đời lại lạnh lùng dập tắt nó trong chớp mắt. Ngày 18/3, khi một bác sĩ trong ca trực vội vã chạy đến nhà cô gần tâm dịch Bergamo ở miền bắc Italy, mọi thứ đã quá muộn màng.

Cụ ông Alessandro qua đời lúc 1h10 sáng ngày 19/3, chỉ 10 phút trước khi xe cấp cứu đến nhà. Qua điện thoại, bác sĩ chỉ kê cho ông uống thuốc giảm đau liều nhẹ và kháng sinh phổ rộng. “Bố tôi bị bỏ lại trong nhà, lặng lẽ chết đi mà không có ai giúp đỡ”, người phụ nữ 48 tuổi nói. “Chúng tôi đã bị ruồng bỏ. Không ai đáng phải chịu kết cục như thế”.

Đáng buồn thay, theo chia sẻ của các y bác sĩ ở vùng tâm dịch Lombardy, trường hợp tương tự như cụ Alessandro không hề hiếm gặp. Có nhiều người phải chết trong chính căn nhà của họ vì việc kê đơn qua điện thoại không thể giúp bác sĩ kiểm soát diễn biến bệnh tình. Chỉ riêng ở tỉnh Bergamo, số ca tử vong vì dịch COVID-19 có thể cao hơn gấp đôi so với con số 2.060 được công bố chính thức qua hồ sơ của bệnh viện.

Khi toàn thế giới đang nỗ lực tăng số lượng máy thở trong bệnh viện, một số bác sĩ cho rằng việc thiếu điều kiện chăm sóc y tế ngay từ ban đầu sẽ khiến chúng ta trả giá đắt, vì y bác sĩ không thể hoặc không muốn đến tận nhà bệnh nhân mà chuyển sang tư vấn y tế từ xa.

Một linh mục làm lễ cho bệnh nhân chết vì COVID-19 ở Siriate ngày 28/3.

“Tình trạng này xảy ra do nhiều bác sĩ gia đình không đến thăm bệnh nhân trong nhiều tuần”, trích lời Riccardo Munda, người đang đảm nhiệm vị trí bác sĩ tại cả hai nơi Selvino và Nembro. “Không thể trách họ được, đó là cách họ tự bảo vệ bản thân”. Ông cho biết nhiều trường hợp tử vong lẽ ra có thể cứu kịp nếu người dân ở nhà được hỗ trợ y tế nhanh chóng, nhưng các y bác sĩ đang bận không ngơi tay, trang thiết bị bảo hộ thiếu thốn trầm trọng, và hơn nữa, họ không được khuyến khích đến nhà bệnh nhân trừ khi thật cần thiết.

“Bác sĩ tư vấn và điều trị cho bệnh nhân tại nhà. Nhưng nếu phương pháp đó không hiệu quả, mà lại chẳng có bác sĩ nào kiểm tra và đổi sang cách khác hoặc thuốc khác phù hợp hơn, thì bệnh nhân sẽ mất mạng”, Munda nói. Các nhân viên y tế tại bệnh viện được ưu tiên cung cấp khẩu trang, song bác sĩ gia đình thì không được như thế. Do đó, họ rất e ngại việc đến thăm khám tại nhà bệnh nhân.

Theo phát ngôn viên của cơ quan y tế ATS của tỉnh Bergamo, nhà chức trách ở Lombardy, nơi được cho là sở hữu một trong những hệ thống y tế chất lượng nhất thế giới, đã đề nghị các bác sĩ gia đình khám cho bệnh nhân qua điện thoại càng nhiều càng tốt, hạn chế đến tận nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm và lãng phí đồ bảo hộ. Ngoài ra, 142 bác sĩ ở vùng Bergamo đều đã bị bệnh hoặc phải cách ly, nhưng họ đã được thay thế.

Các nhà chức trách hiện đang chuyển sang tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau nhiệm vụ củng cố khả năng điều trị tích cực, chính phủ các nước nên ưu tiên chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

Tại tỉnh Bergamo, 6 tổ bác sĩ đặc biệt đã hoạt động từ ngày 19/3, mỗi người được giao chăm sóc 6 bệnh nhân tại nhà. Ở thành phố Milan gần đó, nơi số người chết trong nhà và các trung tâm dưỡng lão tăng gấp đôi trong nửa cuối tháng 3, những đội ngũ bác sĩ tương tự cũng bắt đầu làm nhiệm vụ từ ngày 31/3.

Số ca tử vong thực sự

Tính đến ngày 5/4, số bệnh nhân COVID-19 ở Italy là 124.632, trong đó có 15.362 người chết, chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong toàn cầu. Thế nhưng, ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy con số đó thấp hơn nhiều so với thực tế, bởi có rất nhiều người phải chết ở nhà.

Theo một nghiên cứu do báo L'Eco di Bergamo và dịch vụ tư vấn InTwig thực hiện dựa trên số liệu do chính quyền địa phương cung cấp, ước tính có 5.400 trường hợp tử vong ở tỉnh Bergamo trong tháng 3, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, có đến 4.500 người chết liên quan đến dịch COVID-19, cao gấp đôi số liệu chính thức, tính cả 600 ca tử vong tại viện dưỡng lão được bác sĩ xác nhận. ATS từ chối bình luận về kết quả nghiên cứu.

Đại dịch COVID-19 đã khiến Ý thất thủ hoàn toàn.

Pietro Zucchelli, giám đốc nhà tang lễ Zucchelli, phục vụ nhiều ngôi làng trong thung lũng Seriana quanh tỉnh Bergamo, cho biết trong 2 tuần qua, hơn một nửa lượng công việc của ông là thu gom thi thể từ các gia đình. Trước đó, hầu hết ca tử vong xảy ra tại bệnh viện hoặc viện dưỡng lão.

Từ cuối tháng 2, bác sĩ Munda bắt đầu đến khám cho bệnh nhân tại nhà, kê kháng sinh cho bệnh viêm phổi và dùng liệu pháp oxy nếu cần. Tuy thuốc kháng sinh không giúp tiêu diệt virus nhưng có thể điều trị một số biến chứng suy nhược, giúp bệnh nhân hồi phục mà không cần nhập viện. Để tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm, ông chi 600 EUR (648 USD) mua khẩu trang và khử trùng chúng mỗi tối. Đã có hơn 11.000 nhân viên y tế ở Italy nhiễm COVID-19 và 80 người đã tử vong, nhiều người trong số đó là bác sĩ gia đình.

“Hãy kiên nhẫn”

Câu chuyện của gia đình Silvia chứng tỏ hệ thống y tế nơi tuyến đầu của Italy cũng không chịu nổi áp lực khổng lồ trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Chính phủ một số nước châu Âu và Mỹ đề nghị bác sĩ nên tư vấn qua điện thoại bất cứ lúc nào có thể, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Silvia đã cố gọi nhiều lần để yêu cầu bác sĩ đổi thuốc. Ban đầu, bác sĩ kê cho bố cô thuốc giảm đau từ paracetamol để hạ sốt. Nhưng tình huống của cụ Alessandro càng lúc càng tồi tệ, cô hoảng sợ cầu cứu thì nhận được lời đáp: “Tôi không bị buộc phải đến khám tận nhà, xin hãy kiên nhẫn chờ”. Trò chuyện với Reuters, vị bác sĩ giấu tên khóc nấc chia sẻ ông phải đưa ra những quyết định tàn khốc. Từ khi nhận làm thay công việc của một đồng nghiệp đang bị bệnh, điện thoại của ông gần như nổ tung với 300 - 500 cuộc gọi mỗi ngày.

“Tôi phải lựa chọn kỹ càng, không thể đến nhà những người bị sốt và ho mà chỉ đến khám những ca bệnh nặng nhất”, bác sĩ nói. Theo ước tính của Hiệp hội bác sĩ gia đình tại Bergamo, khoảng 70.000 người ở tỉnh này có khả năng nhiễm COVID-19. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức, song không thể đưa tất cả mọi người đến bệnh viện. Có đôi khi, các gia đình cũng giữ bệnh nhân ở nhà vì họ sợ không còn cơ hội nói lời từ biệt nữa”, trích lời ông Giorgio Gori, Thị trưởng Bergamo.

Đây là khung cảnh thường thấy tại các nhà thờ ở vùng tâm dịch.

Cũng như ông, các thị trưởng khác trên khắp vùng Lombardy cũng đang cầu cứu. “Tôi có thể cung cấp hàng trăm ví dụ về những người dân phải chống chọi với bệnh tật tại nhà, không được ai giúp đỡ”, Giovanna Gargioni, Thị trưởng Borghetto Lodigiano, đại diện cho tập thể thị trưởng viết trong bức thư đến cơ quan y tế khu vực hôm 27/3.

Ngay cả ở thành phố Milan, lời hứa cung cấp trang bị bảo hộ và dụng cụ xét nghiệm cho các nhân viên y tế của chính quyền địa phương vẫn chưa thành hiện thực. “Chúng tôi đang làm việc mà không được đảm bảo an toàn, không ai kiểm tra cho chúng tôi”, Roberto Scarano, một bác sĩ phẫu thuật kiêm bác sĩ gia đình cho biết. “Trong khi đó, virus đang lây lan trong nhà dân, khiến mọi người nhiễm bệnh mà không ai chăm sóc”.

Ngày trước, xe cấp cứu chỉ mất khoảng vài phút để đến nhà người dân, nhưng hiện tại phải đợi đến mấy tiếng đồng hồ. Bình oxy khan hiếm đến nỗi các y tá phải nhanh chóng thu hồi chúng từ trên người những bệnh nhân mới qua đời vì COVID-19, để đủ nguồn cung cho các người bệnh tiếp theo.

Maura Zucchelli, một y tá tại công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ y tế tại nhà Itineris, cho biết: “Chúng tôi thường phải chứng kiến cảnh bệnh nhân lìa đời, nhưng quá trình đó chậm đến mức bạn có cảm giác mình đang dõi theo từng bước chân của họ tiến về cửa tử. Nhưng bây giờ đã khác. Bạn đến nhà một người bệnh, và chỉ trong 48 - 72 tiếng sau, họ đã trút hơi thở cuối cùng. Sự sống bị rút cạn quá chóng vánh, chẳng khác chi thời chiến”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Reuters

Được quan tâm

Tin mới nhất