Thoạt nhìn, Mangal Karimy (13 tuổi) trông giống bất kỳ cậu bé nào trong ngôi làng nhỏ ở miền Tây Afghanistan, vào rừng kiếm củi và chăn nuôi gia súc trong trang trại nhỏ của gia đình. Dáng người nhỏ bé lặng lẽ làm công việc của mình, một tay cầm củi, tay kia thi thoảng nhặt những lon rỗng trên cánh đồng cằn cỗi.
Trước khi lên 2 tuổi, Mangal vẫn là Madina, một trong bảy cô con gái sống trong gia đình đậm truyền thống Afghanistan, nơi những cô bé gái phải ăn mặc và sinh hoạt như những cậu con trai. Trong tiếng Dari, phong tục này được gọi là “bacha posh”.
Mangal vén mái tóc dài của mình và khéo léo nhét nó vào bên trong chiếc mũ len, kéo áo khoác lên kín cổ và xỏ vào chân chiếc quần dài, “cậu” cùng cha đến cánh đồng lúa mì của người họ hàng ở Sanjoor, tỉnh Herat để làm công việc đồng áng.
Trong xã hội Afghanistan, con trai được đánh giá cao hơn con gái rất nhiều, đến mức người ta thường nói với nhau “sinh một đứa con gái cũng bằng không”. Con gái trong nhà được xem là gánh nặng của gia đình bởi người ta quan niệm rằng phụ nữ không thể kiếm tiền và không thể tồn tại mà thiếu đàn ông.
Lối suy nghĩ cũ xưa đã tồn tại ở quốc gia Hồi Giáo Nam Á này suốt hàng thế kỷ, nó ăn sâu vào tư duy của mỗi người đến nỗi cha mẹ có con gái sẽ ép con mình sống như một đứa con trai. “Quá trình chuyển đổi” được bắt đầu từ khi đứa bé còn nhỏ và hoàn thành khi chúng bước vào tuổi dậy thì.
'Sinh ra con gái cũng bằng không'
Nadia Hashimi, bác sĩ nhi khoa người Mỹ gốc Afghanistan, nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết viết về bacha posh xuất bản năm 2014, cho biết: “Người ta ham muốn con trai đến độ ép buộc con gái phải chuyển mình thành con trai. Trước tuổi dậy thì, các bé gái phải trở thành những chàng trai đích thực, đây là một điều không hề dễ dàng”.
Phong tục cũ kĩ này cũng bắt nguồn từ niềm tin sai lệch khi người dân nghĩ rằng, nếu một bé gái biến hóa thành công thành một nam thanh niên, đứa con tiếp theo sinh ra trong gia đình của họ sẽ là con trai.
Khi được hỏi, cha của Mangal là ông Khoda cùng vợ mình là bà Amena Karimy không ngần ngại chia sẻ với phóng viên rằng đó là việc làm đúng, con gái của họ rồi sẽ trở thành một chàng trai khi đến tuổi dậy thì, và rồi họ sẽ sớm đón tin vui khi có được một bé trai trong nhà.
Sau khi hạ sinh hai con đầu lòng là con gái, cha mẹ của Mangal rất thất vọng và niềm khao khát con trai trong họ dâng cao tột cùng. “Tôi rất muốn sinh cho bố nó một đứa con trai, để nó phụ ông ấy công việc trong nhà. Nhưng vì tôi không làm được, nên tôi sẽ biến con gái mình trở thành một cậu bé trai”, người mẹ chia sẻ.
Trong tiếng Dari, không có đại từ chỉ giới tính như “anh ấy” hay “cô ấy”. Từ khi trở thành một cậu bé, Mangal trở thành lao động chính trong gia đình 9 miệng ăn khi kiếm được khoảng 6.000 Afghani (khoảng 1.730.000 đồng) mỗi tháng, mặc dù đây là con số khá ít ỏi so với mặt bằng thu nhập ở quốc gia này.
“Tôi yêu các con của tôi, tôi không hề ghét bỏ chúng. Nhưng tôi chỉ yêu khi chúng làm được việc, có thể là ra đồng để chăm sóc đám gia súc hoặc tạo ra giá trị để nhà tôi khác với nhà hàng xóm. Nếu không thì tôi thấy những đứa con của mình cũng chẳng có gì đặc biệt”, cha của Mangal bộc bạch.
Nữ bác sĩ Hashimi cho biết niềm khao khát với các cậu bé trai trong xã hội Afghanistan xuất phát từ thực tế, rằng nền kinh tế chủ yếu nông nghiệp ở quốc gia này vẫn cần sức người để chặt cây, cày ruộng, chăn nuôi gia súc. Khi phụ nữ kết hôn và về nhà chồng, họ sẽ trở thành một “cá thể kinh tế” thống nhất để cùng con cái kiếm tiền nuôi cả gia đình.
Nhìn vào những đứa trẻ bacha posh, ai cũng biết đó là một bé gái ăn mặc và làm việc như con trai, nhưng không ai có ý kiến về việc này dù ở vùng miền hay tầng lớp xã hội nào.
‘Sự xấu hổ’ mang tên sinh ra con gái
Ngồi thu mình ở một góc trong căn nhà được xây đơn giản bằng bùn và gạch, Mangal trả lời câu hỏi của phóng viên bằng một nụ cười bẽn lẽn, rằng ‘cậu’ muốn được làm con trai và thích được gọi bằng “he” trong tiếng Anh. “Nhưng em muốn được làm con gái khi lớn lên”, Mangal nói thêm.
Khi không phải làm công việc ngoài đồng với cha, Mangal thích chơi đá bóng cùng những đứa trẻ trong làng. Trên sân bóng, Mangal là đứa trẻ bacha posh duy nhất. Mỗi sáng đến trường, Mangal theo học ở trường nữ sinh cùng bốn chị em của mình nhưng vẫn ăn mặc như một đứa con trai và được gọi với cái tên nam tính.
Nhà báo Ehrari chuyên khai thác các vấn đề về xã hội ở Afghanistan, cho biết hầu như gia đình nào cũng có một đứa con bacha posh. “Hóa ra, họ vẫn nhìn nhận con của mình là con gái chứ không vô thức phủ nhận. Họ chỉ cố che giấu ‘sự xấu hổ’ và khoa trương ‘niềm tự hào’ với hàng xóm bằng cách cho mọi người thấy nhà mình cũng có một bé trai”, Ehrari cho biết.
Thật vậy, cha của Mangal cho biết ông không xem con mình là nam nhân: “Tôi chỉ cho con tôi đi làm để kiếm tiền như một đứa con trai, nhưng nó không phải là con trai. Tôi sẽ cho nó mặc quần áo con gái khi lớn lên và kết hôn với ai đó, chỉ là bây giờ không phải lúc”.
Mệt mỏi khi phải đóng hai vai
Tuy vậy, không phải sự chuyển đổi nào cũng dễ dàng, dù là từ một cô bé thành một cậu trai, hay từ một chàng thanh niên hóa thành một thiếu nữ. Shazia (tên nhân vật đã thay đổi) lên 9 tuổi và sống ở Kabul cùng gia đình vào năm 1990, cô đã từng là một bacha posh trong 5 năm.
Lúc bấy giờ, nội chiến xảy ra ở Afghanistan khiến cha mẹ phải đưa cô cùng hai người anh em của mình đến Nga để lánh nạn. Cuộc chiến đã cướp đi đôi chân của cha cô, ông từ một doanh nhân giới trung lưu trở thành gánh nặng của gia đình khi không còn lao động được nữa.
“Đó là lúc tôi quyết định sẽ ăn mặc như con trai thật sự. Tôi phải đóng vai một chàng trai để đảm đương vai trò trụ cột gia đình”, Shazia kể lại và cho biết mình đã đổi tên thành Mirwas, cô là người con gái thứ ba trong gia đình có sáu người con gái.
Mirwas dần dần không còn quanh quẩn trong chuồng gà nữa, mà “anh” phải ra chợ để buôn bán, làm thêm tại cửa hàng, đảm trách những công việc lao động rất nặng nề để mẹ cùng các chị em khác của mình được tập trung cho công việc khác của họ.
Ở chợ, không ai biết Mirwas là một bacha posh, nhưng trong thâm tâm “anh” biết rất rõ điều này. “Tôi cảm thấy rất đau khổ khi phải đóng hai vai trong xã hội, không chỉ mệt mỏi về thể chất và trong tinh thần tôi cũng đã cạn kiệt sức lực”, Shazia giờ là người mẹ ba con ở tuổi 37, sống tại New York, nhớ lại những tháng ngày đã qua.
Shazia trở về thân phận một bé gái năm lên 13 tuổi sau một trận ẩu đả lớn với các chị em trong gia đình, những người chị em không muốn Shazia phải tiếp tục cải nam nhân vì nhận ra đó không phải là cuộc sống thật sự. Không phải một sớm một chiều, cô mất một khoảng thời gian khó khăn để trở về đúng với bản thân.
Nữ bác sĩ Hashimi cho biết sự chuyển đổi này “về cơ bản là áp đặt một cuộc khủng hoảng danh tính lên một đứa trẻ với tâm lý còn non nớt”. Những đứa trẻ bacha posh rất dễ rơi vào tâm lý hoảng loạn khi không hài lòng với giới tính của mình và mong muốn được thay đổi giới tính khi lớn lên.
“Những đứa trẻ bacha posh có những trải nghiệm ‘hoán đổi giới tính’ khác nhau. Việc được trở thành một con người khác ở đất nước vốn phân biệt giới tính sâu sắc như Afghanistan được nhiều em xem là thú vị, bởi những bé gái chính gốc không được chơi thể thao hay tham gia các hoạt động mạnh bạo như con trai. Kết quả là, nhiều đứa trẻ bacha posh khi lớn lên từ chối trở lại làm phụ nữ,” bác sĩ Hashimi cho biết thêm.
Chính phủ không can thiệp
Do quá thân mật với nam giới khi trở thành con trai, nhiều bé gái bacha posh dễ sa vào tệ nạn xã hội hoặc thậm chí là bị lạm dụng tình dục. Các tổ chức vận động nữ quyền ở Afghanistan đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng tình hình vẫn chưa có biến chuyển tích cực.
Ở 70% diện tích đất nước đang rơi vào bất ổn khi Taliban tăng cường vũ trang, nhóm phiến quân Hồi Giáo vẫn tiếp tục gây bất bình đẳng giới tính tại nơi mà chúng kiểm soát, khiến nhu cầu về bacha posh sẽ vẫn còn và thậm chí tăng cao.
Hiện chưa có một khảo sát toàn diện nào cho thấy bacha posh trong thực tế đang tăng lên hay giảm đi, nhưng Hashimi tin rằng phong tục này sẽ chết đi khi vị trí của phụ nữ trong xã hội Afghanistan đang tăng cao dần, dù điều này sẽ không đến trong một tương lai gần.
Mặc dù chưa từng có phát ngôn chính thức, nhưng quan điểm của chính phủ Afghanistan là không can thiệp vì họ cho rằng “đây là một truyền thống đã có từ đời xưa, xuất phát từ tập quán của người Afghanistan và không thể thay đổi văn hóa”.
Trên cánh đồng lúa mì ở Sanjoor, “cậu bé” Mangal tập trung cúi mặt xuống đất để xúc lên những xẻng đất đầy bên cạnh người cha trong cái lạnh mùa đông. Những người chị em của Mangal ở cùng mẹ trong nhà, cửa đóng kín không chỉ vì sợ gió lạnh, mà còn vì cái nhìn không ấm áp từ xã hội và những người xung quanh.