Ngay từ khi còn là Thái tử, Akihito đã lựa chọn cho mình một con đường riêng, phá vỡ mọi quy tắc truyền thống của cha ông từ xưa tới nay, đó là quyết định cưới một người phụ nữ có xuất thân từ một thường dân. Đám cưới của ông và bà Michiko Shoda, con gái của một thương nhân buôn bán bột mì đã thực sự khiến cho không chỉ truyền thông mà còn cả xã hội Nhật Bản bất ngờ. Bởi ông là người thừa kế đầu tiên kết hôn với một người không có dòng dõi hoàng tộc.
Quyết định của thái tử Akihito đã phá bỏ quy tắc sắp đặt trong hôn nhân thời bấy giờ của Nhật Bản, kết hôn vì tình yêu được coi là sự khẳng định mạnh mẽ của nước Nhật dân chủ. Hai người cũng chọn sống cùng con cái, trực tiếp nuôi dạy chúng thay vì để cho bảo mẫu nuôi nấng như truyền thống.
Không chỉ dừng lại ở đó, sau thất bại tại chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật hoàng lúc đó là Hirohito đã không còn nhận được sự tin tưởng và tôn sùng của người dân, chế độ quân chủ cũng không còn giữ được vị trí ban đầu nữa. Chính vì thế mà khoảng cách giữa Hoàng gia và người dân ngày càng xa.
Để thay đổi điều này, khi lên ngôi vào năm 1989, Hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản là Akihito đã cố gắng học tập từ các chế độ quân chủ trên thế giới, trong đó phải kể đến Vương quốc Anh. Ông đã chọn tác giả sách thiếu nhi người Mỹ Elizabeth Grey-Vining làm gia sư riêng cho con trai mình và hy vọng sẽ nuôi dạy một hoàng đế với tư tưởng mới. Với sự hiểu biết của một người phương Tây về chế độ quân chủ, Grey - Vining đã truyền tải được những tư tưởng tiến bộ từ nước ngoài tới Akihito.
Nhật hoàng Akihito từ từ thay đổi, tách ra khỏi lối đi vốn có của cha ông để vai trò của chế độ quân chủ phù hợp với một Nhật Bản hiện đại. Cùng với vợ, Akihito đã ưu tiên mối quan hệ với người dân Nhật Bản hơn, xuất hiện nhiều hơn trước công chúng. Sau sự kiện núi lửa phun trào vào năm 1991, Akihito và Michiko đã đích thân tới tận khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai và chia sẻ khó khăn với các nạn nhân. Trước hành động này, những người theo phe bảo thủ tỏ ra vô cùng bất bình, tuy nhiên, truyền thông và người dân lại rất ủng hộ Nhật hoàng.
Cũng sau trận động đất và sóng thần năm 2011 gây thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật hoàng đã xuất hiện trên truyền hình để trấn an dư luận. Hai người tới Fukushima hai tháng sau, một lần nữa phá vỡ quan niệm của những người theo chủ nghĩa thuần túy coi nhiệm vụ chính của hoàng đế là để người dân cầu nguyện chứ không gặp gỡ con dân.
Mặc dù theo nguyên tắc, Nhật hoàng không được can thiệp vào chính trị hay có bất cứ phát ngôn chính trị nào, nhưng trong chuyến thăm tới Indonesia và Trung Quốc. Akihito đã một lần nữa đã phá vỡ truyền thống này khi lên tiếng bày tỏ sự hối hận trước hành động xâm lược của Nhật Bản trong thế chiến thứ 2.
Trong chuyến thăm tới Philippines và trận địa trong thế chiến thứ 2 giữa Nhật Bản và Mỹ tại Thái Bình dương. Akihito cũng bày tỏ một cách khéo léo sự hối tiếc và cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh.
Nhật Bản trong suốt thời kì Bình Thành đã gặp rất nhiều khó khăn với khủng hoảng kinh tế, bị đánh bật khỏi vị trí thứ 2 trên bản đồ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nợ công tăng cao chưa từng có. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến nhiều bất ổn trong chính trị khi mà trong số 17 thủ tướng, chỉ có 4 người tại vị trong hơn 2 năm. Chính lúc này, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tạo một chỗ dựa tinh thần vững chắc và đáng tin cậy cho xã hội Nhật Bản.
Đến khi kết thúc triều đại của mình, Nhật hoàng một lần nữa đã thay đổi truyền thống bấy lâu khi xin người dân để ông thoái vị thay vì phục vụ tới khi qua đời. Hôm nay 30/4, Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị và nhường ngôi lại cho Thái tử Naruhito với hi vọng con trai sẽ nối tiếp và phát huy những di sản mà mình đã để lại.