Nước Pháp sau bi kịch
Bàng hoàng. Đau đớn. Xót xa. Tiếc nuối. Đó có lẽ là những gì 67 triệu người dân Pháp đã cảm thấy khi Nhà thờ Đức Bà - niềm tự hào dân tộc, di sản văn hóa, chứng nhân lịch sử, biểu tượng của đức tin và hi vọng của họ - chìm trong biển lửa. Lúc ấy, không kể già trẻ, gái trai hay tầng lớp giai cấp, dường như nỗi đau là của chung. Đêm hôm ấy, hàng triệu người dân Pháp đã nắm tay nhau. Họ hát, khóc, và cầu nguyện cho vết sẹo chung trong kí ức của cả dân tộc. Có một gì đó đau nhói khi họ đã không thể cùng nhau bảo vệ cho một thứ vô giá.
Nhưng có một thứ mà không phải người dân Pháp nào cũng cảm thấy: bất lực. Trong vòng chỉ vài ngày sau khi bi kịch xảy ra, chính phủ Pháp đã nhận về gần 1 tỉ Euro tiền quyên góp để xây dựng lại nhà thờ. Số tiền này được bỏ ra từ túi của các tỉ phú hàng đầu, các gia đình thượng lưu và các tập đoàn lớn nhất nước Pháp. Trong khi đa số người Pháp chỉ biết rơi nước mắt và cầu nguyện, số ít những nhân vật đặc biệt này biết rõ mình có thể làm được gì để xoa dịu mát mát lớn lao này.
“Nếu họ quan tâm”
Giữa tin tức về những khoản tài trợ hào phóng, xuất hiện một dòng trạng thái trên Twitter nhận được hàng trăm nghìn lượt share trên các trang mạng xã hội:
“Tôi biết Nhà thờ Đức Bà là một địa danh hết sức quan trọng, nhưng việc các tỉ phú đã tuyên bố đóng góp hơn 600 triệu đô-la trong chưa đầy 24h đồng hồ để xây lại nó, cho thấy người giàu có thể giải quyết các vấn đề trên thế giới dễ dàng thế nào, nếu họ quan tâm”.
Quan tâm - đây có lẽ là từ khóa. Nhà thờ Đức Bà được cả thế giới quan tâm. Truyền thông theo dõi từng diễn biến, hàng tỉ con mắt đang hướng về nước Pháp và xem họ làm gì trước bi kịch. Tin tức về những khoản quyên góp được cập nhật hàng giờ trên trang nhất của các tờ báo lớn.
Dường như không khó để đặt ra câu hỏi: Vậy còn những vấn đề khác thì sao? Những vấn đề vẫn âm thầm gặm nhấm xã hội nước Pháp hàng ngày, những con người đang phải vật lộn trong nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp, vô gia cư… Tiền có giải quyết được vấn đề của họ không? Có. Câu chuyện của họ có lên trang nhất của các hãng thông tấn hàng đầu thế giới không? Không.
Có phải trùng hợp không khi những vấn nạn khác trong một nước Pháp đang đẩy bất ổn không nhận được sự quan tâm tương tự từ những kẻ quyền lực và tầng lớp thượng lưu? Có lẽ không.
Như đã đề cập, Nhà thờ Đức Bà là biểu tượng cho nhiều giá trị của xã hội: văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật… Đó là những giá trị mà xét cho cùng, sẽ nâng tầm cho nhân loại nói chung. Nhưng rõ ràng, những người có khả năng bỏ ra những khoản tiền ở mức không tưởng với phần đa dân số thế giới để khôi phục những tinh hoa này, là những người đã không còn phải quan tâm đến những giá trị khác - có lẽ tầm thường hơn - những nhu cầu thiết yếu sống còn hay mưu cầu hạnh phúc nhỏ nhặt. Khi đó, mối quan tâm của họ có lẽ sẽ tập trung vào một nơi như Nhà thờ Đức Bà, biểu trưng cho những giá trị có thể coi là ở tầm cao hơn.
Lời kêu gọi đoàn kết
Một ngày sau đám cháy, Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi người dân Pháp đoàn kết đồng lòng, vượt qua những chia rẽ đã làm đảo lộn đất nước sau nhiều tháng bạo động khốc liệt.
Giống như người tiền nhiệm Fracois Hollande, người đã chèo lái con thuyền nước Pháp qua hai cuộc tấn công khủng bố, ông Macron nói ông muốn chính trị phải được bỏ qua khi cả đất nước đang khóc thương sau tấn bi kịch. Nhưng ngay lập tức, ông đã nhận phải những chỉ trích, cho rằng chính ông đang sử dụng hình ảnh của một dân tộc đoàn kết kiên cường như một chiêu trò chính trị để lấp liếm cho việc chính phủ của ông không hề quan tâm đến người nghèo. Ông Macron phát biểu trước toàn dân chưa đầy 24 giờ sau đám cháy, nhưng phải mất đến 3 tuần sau khi các vụ bạo loạn xảy ra, ông mới đề cập đến các yêu cầu của người biểu tình.
Dù ý đồ của ông Macron có ra sao, đòi hỏi đoàn kết dân tộc có lẽ là quá sức đối với một đất nước đang bị chia cắt bởi sự phân biệt giai cấp quá lớn, mà bắt nguồn chính từ những quyết định mang tính chính trị. Chính phủ của ông Macron trong nhiều tháng nay đã phải đối mặt với những vấn đề từ phong trào “Áo khoác vàng”, những người phản đối dữ dội các cải cách nhằm thiên vị các tập đoàn kinh tế lớn và tầng lớp thượng lưu, trong khi cắt giảm phúc lợi xã hội và các chính sách đảm bảo chất lượng sống cho người nghèo và tầng lớp lao động.
Cuộc trỗi dậy của “Những người khốn khổ”
Và chắc chắn việc gần 1 tỉ Euro được đổ vào tái xây dựng Nhà thờ không giúp ích cho lời kêu gọi đoàn kết dường như sáo rỗng này của ông Macron. Bằng chứng là thứ 7 (20/4) vừa qua, ngày thứ 7 đầu tiên sau vụ cháy, sau nhiều tuần tạm ngưng, khói lửa đã lại bùng lên trên các nẻo đường trong “đất nước của tình yêu”, với gần 28.000 người đổ ra đường biểu tình trong các vụ bạo loạn. Họ thể hiện thái độ giận dữ khi nhìn thấy số tiền được đổ vào việc kiến thiết nhà thờ.
“Chúng tôi nhìn thấy những con số tiền triệu này cứ tiếp tục tăng lên, sau 5 tháng trời ròng rã ngoài đường phố đấu tranh vì bất bình đẳng xã hội và kinh tế. Tôi thấy rất suy sụp”, bà Ingrid Levavasseur, người sáng lập và lãnh đạo phong trào “Áo khoác vàng” phát biểu trước báo giới khi thông báo về kế hoạch biểu tình trong cuối tuần vừa qua.
“Những gì xảy ra với Nhà thờ Đức Bà rõ ràng là một bi kịch lớn. Nhưng chẳng ai chết cả”, bà Levavasseur nói. “Tôi còn nghe ai đó nói về việc tổ chức Quốc tang. Họ có mất trí không vậy?”
Những người biểu tình có lí do để giận dữ. Nhà thờ bị tàn phá, nhiều giá trị cũng có thể theo nó mà mất đi. Nhưng những giá trị ấy, ai có thể nói chúng đáng quý hơn những nhu cầu sống thiết yếu của hàng triệu người dân Pháp đang hàng ngày phải vật lộn với đồng lương tối thiểu ít ỏi, giá xăng tăng cao và các các chính sách thuế thiên vị người giàu? Họ cũng đau vì Nhà thờ chứ, nhưng ngày mai khi thức dậy, họ sẽ vẫn phải đối mặt với câu hỏi sẽ làm gì để con họ có đủ ăn tối nay? Không ai chết trong đám cháy, nhưng có những người dân đang chết dần vì những chính sách tàn nhẫn bóp nghẹt đường sống của họ.
Ông Ollivier Pourriol, một triết gia và nhà văn người Pháp, đã gói gọn sự bất công này trong một dòng tweet:
“Victor Hugo cảm ơn những nhà hảo tâm hào phóng đã sẵn lòng cứu giúp Nhà thờ Đức Bà, và hi vọng là họ có thể làm điều tương tự với Những người khốn khổ.”
Đại văn hào Victor Hugo, người chắp bút nên cuốn tiểu thuyết “Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà” nổi tiếng, cũng là tác giả của cuốn sử thi kinh điển viết về những kẻ nghèo khó trong xã hội - “Những người khốn khổ”.
Nếu người giàu có hàng tỉ đô la để tái kiến thiết Nhà thờ, họ cũng có khả năng để thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo đang ngày một lớn hơn ở Pháp. Chưa cần đến những khoản quyên góp từ thiện cao thượng, họ có thể bắt đầu bằng việc trả thuế thu nhập một cách công bằng để đóng góp cho ngân sách chính phủ - một nhân vật chủ chốt của đảng cấp tiến La France Insoumise đã gợi ý như vậy.
Nhưng vì lí do nào đó, họ không làm. Bởi đó không phải những giá trị quan trọng đối với họ, hay vì tên tuổi của họ sẽ không được đánh bóng nhiều bằng khi họ đổ tiền cho một di sản văn hóa nhân loại đầy tiếng tăm - chỉ họ mới có câu trả lời. Trong khi đó, chưa biết Tổng thống Macron có thể thực hiện lời hứa sẽ xây lại Nhà thờ Đức Bà trong vòng 5 năm hay không, chỉ biết rằng sau bi kịch tưởng như sẽ đưa người Pháp xích lại gần nhau hơn, hàng triệu người dân của ông vẫn đang ấm ức trước những bất công, và đất nước của ông vẫn đang lung lay dữ dội từ những chia rẽ liên quan đến sống còn.