Nhà cửa tan hoang, đường phố hư hại nặng nề, xác người chết được đem chôn cất ở mộ tập thể là cảnh tượng đau lòng tại Sulawesi, Indonesia - nơi trận động đất mạnh 7,5 độ Richter kèm theo sóng thần vừa tấn công hôm 28/9 khiến hơn 1.200 người thiệt mạng.
Hình ảnh được chụp trên không cho thấy mức độ thiệt hại do trận động đất mạnh 7,5 độ Richter gây ra sóng thần cao 6 m và cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.234 người Indonesia hôm 28/9. Trong ảnh là toàn cảnh thành phố Palu thuộc tỉnh Sulawesi trước khi trận động đất mạnh xảy ra.
Lở đất sau động đất và sóng thần biến thành phố Palu trở nên hoang tàn. Trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra ngoài khơi Sulawesi đã tàn phá nhiều khu vực ven biển của Palu, thủ phủ của tỉnh, và thị trấn Donggala.
Ở Petobo, một ngôi làng ở vùng ngoại ô của thành phố Palu, mặt đất sụt lún, tạo ra lớp bùn dày. “Tại Petobo, người ta ước tính còn hàng trăm nạn nhân bị chôn vùi trong bùn”, người phát ngôn của cơ quan giảm nhẹ thiên tai Sutopo Purwo Nugroho nói. Trong ảnh, cây cầu chính của thành phố Palu bị sập hoàn toàn.
Giới chức đang tập trung vào việc chôn cất người chết và cung cấp lương thực cùng chỗ ở cho hàng nghìn người vô gia cư do động đất. Những thi thể được đặt cạnh nhau trong một ngôi mộ tập thể rộng 10 m và dài 100 m, có thể chứa 1300 thi thể, ở đồi Poboya ở ngoại ô thành phố Palu.
Hầu hết những người thiệt mạng ở Palu, trên đảo Sulawesi, nơi sóng thần đổ bộ vào bờ biển khi hàng nghìn người đang tụ tập trong một lễ hội vào lúc hoàng hôn hôm 28/9.
Willem Rampangilei, giám đốc Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết, ngôi mộ tập thể có thể được mở rộng nếu cần.
Cảnh tượng tan hoang ở một khu mua sắm tại thành phố Palu.
Một người đàn ông cúi mình dưới chiếc ô tô bị “trôi dạt” lên bờ tường sau động đất. Nhà cửa, xe cộ và cây cối nằm ngổn ngang khắp nơi sau động đất.
Ô tô xếp chồng lên nhau do bị sóng thần cuốn trôi. Indonesia là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm gây động đất và phun trào núi lửa. Trong trận động đất mạnh 7,5 độ Richter lần này, những sai sót trong việc ghi nhận dữ liệu từ hệ thống cảm biến đã khiến Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) dỡ bỏ cảnh báo sóng thần, không lâu trước khi nó đổ bộ vào thành phố Palu. Người dân hoàn toàn bị động trong tình huống này nên mới dẫn tới con số thương vong và thiệt hại vật chất nghiêm trọng.
Mặt đất nứt nẻ sau cơn địa chấn mạnh.
Các đội cứu hộ tìm đang chạy đua tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt trong các tòa nhà bị phá hủy ở Palu, bao gồm một khách sạn 8 tầng đã đổ sập. Nhiều người được cho là vẫn đang mắc kẹt dưới những tòa nhà đổ nát trong khu phố Balaroa của thành phố Palu, nơi cơn địa chấn khiến mặt đất dâng cao. Việc thiếu trang thiết bị hạng nặng khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi cố gắng đào bới đống đổ nát để tìm người sống sót.
Con tàu mắc cạn do sóng thần tấn công ở thị trấn Donggala.
Một đền thờ đổ sập giữa ngổn ngang những đống đổ nát ở thành phố Palu.
Người dân đổ xô lấy thực phẩm ở một nhà kho ở thành phố Palu. Thiếu nước, thực phẩm và nhiên liệu khiến cư dân đi “hôi của”. Họ nói không còn lựa chọn nào khác bởi không có viện trợ nên buộc phải làm vậy để có thức ăn.
Đội cứu hộ giải cứu bé gái Nurul Istikharah, 15 tuổi, mắc kẹt trong ngôi nhà đổ nát và ngập bùn đất và nước do hiện tượng đất hóa lỏng. Hiện tượng đất hóa lỏng xảy ra trong các trận động đất khi các tầng đất bị tác động bởi lực lớn tới mức chúng bị vỡ ra, kết hợp với nước tạo thành lớp đất mềm như bùn lỏng.
Người đàn ông bế thi thể một em nhỏ khỏi đống đổ nát sáng 29/9, vài giờ sau thảm kịch. Số lượng người thiệt mạng do thảm họa kép dự kiến còn tăng khi đội cứu hộ chưa thể tiếp cận được nhiều khu vực bị ảnh hưởng. Giới chức Indonesia đã kêu gọi viện trợ và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế để ứng phó thảm họa khẩn cấp trong bối cảnh người dân địa phương đang phải vật lộn trong tuyệt vọng để tìm kiếm thức ăn và nước uống.