Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Nguồn gốc rùng rợn và lý giải khoa học về chiếc bàn cầu cơ

Không chỉ đơn giản là một trò chơi vô hại hay lối tắt đến với thế giới của những linh hồn hắc ám, nguồn gốc ra đời của chiếc bàn cầu cơ ghê rợn hơn bất cứ thứ gì bạn có thể tưởng tượng.

Tại châu Mỹ thế kỷ 19, những người theo thuyết duy linh đưa ra một tuyên bố gây chấn động. Theo đó, khi cơ thể con người chết đi, linh hồn của người đó không vì thế mà tan biến, mà chỉ chuyển từ thế giới này sang một thế giới khác, một thế giới mà người sống không bao giờ có thể tìm ra được, nhưng có thể tiếp cận bằng một vài kỹ thuật và nghi lễ.

Thuyết duy linh tin rằng con người có thể liên lạc với linh hồn.

Trong thời kỳ này, tuổi thọ con người thường không quá 50 tuổi, vì vậy mọi người thường bị hấp dẫn với những lời hứa hẹn có thể giúp mình liên lạc với những người thân yêu quá cố. Một vài nhân vật theo thuyết duy linh dẫn đầu trào lưu này có thể kể đến chị em nhà Fox - hai cô bé đến từ New York tuyên bố có thể giao tiếp với linh hồn người đã chết, theo Theculturetrip.

Cách mà 2 cô gái thường làm là hỏi các câu hỏi, linh hồn sẽ trả lời bằng cách gõ lên những bức tường hoặc đồ đạc trong nhà. Khả năng này khiến nhiều người kinh ngạc, dịch vụ “gọi hồn người chết” cũng theo đó mà nhanh chóng nở rộ trên gắp nước Mỹ.

Có một thời dịch vụ “gọi hồn” ăn nên làm ra ở Mỹ.

Charles Kennard, một doanh nhân thông minh, nhanh chóng nhận ra đây là cơ hội kinh doanh béo bở và quyết định phát minh ra một chiếc bàn có thể “nói chuyện”, kết nối với các linh hồn trở nên đơn giản và nhanh hơn. Sau khi chế tạo thành công chiếc bàn đầu tiên, Kennard kết nối được với một linh hồn và hỏi rằng mình nên đặt tên phát minh này là gì, linh hồn này trả lời: “Ouija”. Kennard hỏi tiếp rằng “Ouija” nghĩa là gì, linh hồn trả lời: “Chúc may mắn”.

Bàn cầu cơ Ouija ra mắt thị trường như một loại đồ chơi vào năm 90 của thế kỷ 19. Nhưng lúc này nhà cung cấp không hề đưa ra hướng dẫn sử dụng cho món đồ chơi đặc biệt này, mà chỉ giới thiệu Ouija có thể giúp người dùng trả lời chính xác một cách kỳ lạ những câu hỏi về quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp kết nối “giữa những cái đã biết và chưa biết, giữa vật thể và phi vật thể”.

Sự bí ẩn của món đồ kích thích trí tò mò của khách hàng và gieo vào tâm trí mọi người suy nghĩ rằng, có lẽ kết nối với những linh hồn không đơn giản chỉ là một hoạt động vô hại. Cùng những bộ phim kinh dị và các câu chuyện chưa từng được kiểm chứng, lời đồn đại về điều tồi tệ mà Ouija có thể đem lại cho người chơi ngày một tăng lên.

Bàn cầu cơ là sản phẩm “ăn theo” trào lưu gọi hồn.

Trong rất nhiều câu chuyện ma quái, một câu chuyện về William Fuld được nhiều người tin nhất. William Fuld là một trong những cổ đông đầu tiên, đồng thời cũng là chủ sở hữu cuối cùng của công ty sản xuất bàn cầu cơ Ouija. Năm 1927, trong lúc đứng trên nóc của nhà máy mới đang xây dựng để giám sát việc lắp đặt cột cờ, hàng rào mà ông đang dựa vào đột ngột bị gẫy, khiến ông rơi từ tầng 3 xuống đất.

Trong lúc được đưa vào bệnh viện, ông bị miếng gỗ vỡ từ hàng rào đâm xuyên thấu tim, khiến ông chết ngay tại chỗ. Sau này mọi người mới biết rằng, ông Fuld đã sử dụng bàn cầu cơ Ouija và nhận được lời khuyên nên xây dựng nhà máy đó.

Tuy nhiên, bàn cầu cơ theo lý giải của giới khoa học chỉ là một vật hoàn toàn vô hại. Thực ra, không có linh hồn nào điều khiển bàn tay con người. Khi con người hỏi các câu hỏi, thì tự trong tiềm thức người đó đã có câu trả lời rồi và bàn tay người đó sẽ di chuyển trong vô thức để có thể trả lời theo ý mình. Đây được gọi là hiệu ứng vô thức của con người (ideomotor effect).

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết QN

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui thừa nhận lụy Hà An Huy