Lần cuối cùng Li Zhanying nhắm mắt và chìm vào giấc ngủ là năm cô lên 5 – 6 tuổi. Từ ấy về sau, người phụ nữ ở huyện Trung Mưu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) không còn cơ hội trải qua cảm giác đó nữa.
Nghe Li bộc bạch, vài người hàng xóm thử thức cùng cô nhưng rồi tất cả đều “bại trận”.
Chồng của Li, Liu Suoquin, cho biết vợ mình dường như không cần ngủ. Từ ngày kết hôn, thấy vợ cứ thức trắng đêm làm việc nhà, anh bèn mua thuốc ngủ cho vợ dễ vào giấc ngủ nhưng vẫn hoài công.
Tờ Bastille Post cho biết Li đã đến gặp nhiều bác sĩ, nhưng không ai có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Thế rồi, một trung tâm y tế tại Bắc Kinh đã giải đáp cho câu hỏi bao năm qua của người phụ nữ ở tuổi tứ tuần.
Qua các cảm biến tân tiến, họ phát hiện thực chất Li có ngủ, nhưng không giống cách mọi người vẫn hay làm.
Dữ liệu theo dõi sóng não cho thấy vào lúc đó, Li chỉ chớp mắt chậm lại, nhãn cầu lờ đờ, mắt trũng xuống nhưng vẫn trò chuyện với chồng.
Hiện tượng này được mô tả là “ngủ khi thức” tương tự như mộng du, khiến dây thần kinh và cơ quan của người bệnh vẫn hoạt động trong khi ngủ.
Nói cách khác, dù rơi vào trạng thái “ngủ đông” nhưng Li vẫn không cần nhắm mắt. Chính vì cách nghỉ ngơi khác lạ của cơ thể mà cô cho rằng mình không ngủ suốt 40 năm, dù thực tế, mỗi ngày Li chợp mắt hơn 10 phút.