Mọi chuyện bắt đầu khi Peter - con trai của bà Rosemary qua đời vì bệnh u não vào ngày 11 tháng 11 năm 1989. Peter vốn là một kỹ sư và một người yêu thích thể thao. Mất trí nhớ tạm thời là những triệu chứng đầu tiên báo hiệu căn bệnh nan y mà anh mắc phải. Khi Peter được đưa tới bệnh viện với những cơn đau đầu dữ dội, các bác sĩ cho biết anh bị u não.
Biết rằng cái chết đã cận kề, Peter đề nghị gia đình cho mình được hiến tạng. Thể theo nguyện vọng của Peter, các nội tạng trong cơ thể của anh đã được chuyển cho các bệnh nhân cần ghép, trong đó có Patrick - chồng của bà Vera, khi đó đang bị bệnh tim.
Bà Vera kể lại: “Patrick bị đau tim từ năm 1979, khi đó ông ấy mới 34 tuổi. Tới năm 1988, ông ấy rời khỏi Không lực hoàng gia vì bệnh tình chuyển biến xấu. Sau một ca phẫu thuật bắc cầu, các bác sĩ cho biết họ không thể giúp ông ấy được nữa. Chúng tôi chấp nhận điều này và sống một cuộc đời bình dị. Tôi làm ở một cửa hàng còn ông ấy nuôi chó và câu cá. Bác sĩ cho biết ông ấy không được làm gì nặng nhọc nên mọi người thường thấy kỳ lạ khi tôi xách tất cả đồ câu còn ông ấy đi tay không”.
“Trong một lần khám bệnh ở Bệnh viện Freeman, một bác sĩ nói ông ấy cần phải đăng ký ghép tạng. Chúng tôi không biết gì về việc ghép tạng nhưng hiểu rằng đây là cơ hội duy nhất”.
Bà Vera vẫn còn nhớ buổi tối mà bác sĩ nói rằng chồng bà chuẩn bị được phẫu thuật.
Bà cho biết: “Đó là một đêm nhiều cảm xúc, tôi biết ở đâu đó một gia đình đang đau thương còn tôi thì vô cùng lo lắng cho chồng mình”.
Ca phẫu thuật diễn ra khá nhanh. Khoảng 6h30 sáng bác sĩ cho phép bà vào gặp chồng. Khi đó, chồng bà đã không còn bị đau tim nữa.
Ba tuần sau, hai người đã trở thành ông bà ngoại.
Bà Vera cho biết: “Con gái Carol của chúng tôi đã sinh ra cháu gái Danielle. Robyn ra đời 8 năm sau đó. Chúng tôi rất vui mừng vì có thêm trẻ em trong nhà và Patrick có thể nhìn mặt chúng.Tôi dành nhiều thời gian để nghĩ về gia đình chàng trai đã trao trái tim của cậu ấy cho chồng tôi. Chúng tôi cảm thấy vô cùng biết ơn. Sau đó, chuyên viên điều phối ghép tạng đã cho phép tôi và Rosemary liên lạc với nhau. Nhờ có trái tim mới mà chồng tôi đã có thể chơi đùa vui vẻ với những đứa cháu”.
Sau gần 12 năm được ghép tim, sức khỏe của Patrick bắt đầu suy giảm.
“Hai tuần sau lễ kỉ niệm đám cưới thứ 40, chồng tôi qua đời. Ông ấy đã 62 tuổi và chúng tôi cảm thấy may mắn vì chồng tôi đã sống được lâu đến thế. Chúng tôi luôn muốn gia đình Peter biết được trái tim của cậu ấy có ý nghĩa như thế nào với gia đình chúng tôi”.
Trong gần 30 năm sau đó, bà Vera đã gửi thiệp cảm ơn gia đình anh Peter từ sau ngày anh qua đời.
Bà nói: “Những tấm thiệp đó không đủ để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với bà Rosemary và con trai của bà ấy. Nhờ trái tim của Peter mà chồng tôi đã có cơ hội nhìn mặt cháu ngoại”.
Bà Vera đã có cơ hội nói lời cảm ơn trực tiếp đối với bà Rosemary tại giải thưởng Pride of Birmingham diễn ra tại thành phố này. Bà Vera là một khách mời đặc biệt khi bà Rosemary nhận giải thưởng Cống hiến trọn đời cho những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm xây dựng tổ chức đăng ký hiến tạng NHS.
Bà Vera nghẹn ngào cho biết: “Mặc dù tối nay là lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt, tôi lại cảm thấy chúng tôi có một mối liên kết vô cùng khăng khít. Được nhìn thấy Vera trên sân khấu, được ôm bà ấy khiến tôi vô cùng xúc động”.
“Những tấm thiệp tự làm đẹp đẽ của Vera luôn được tôi cất giữ cẩn thận. Lần gặp mặt này vô cùng có ý nghĩa đối với tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau cho tới khi taxi tới. Chúng tôi đã có một buổi tối không thể nào quên và sẽ là bạn với nhau mãi mãi”.
Bà Vera đã tặng gia đình Rosemary một chiếc tủ nhỏ do chồng bà làm như một lời cảm ơn chân thành nhất.
Sau cái chết của con trai, Rosemary quyết định thành lập Tổ chức đăng ký hiến tạng NHS, qua đó đã giúp cứu sống 18.000 người.
Với sự trợ giúp của chồng và con gái, bà Rosemary đã kêu gọi không ngừng nghỉ để tổ chức đăng ký hiến tạng NHS được ra đời vào năm 1994.
Đến năm 2005, hơn 12 triệu người đã đăng ký hiến tạng. Con số hiện nay là 25 triệu, tương đương 38% dân số Anh Quốc.
Bà Rosemary bày tỏ:“Hiến tạng là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Bạn không cần gì mà lại có thể mang hi vọng và sự sống cho nhiều người khác. Thật đáng buồn là nội tạng thường bị hỏa thiêu hay chôn cất mà không được dùng để cứu người. Càng nhiều người nói chúng tôi không thể thành lập một tổ chức hiến tạng quốc gia, chúng tôi càng có quyết tâm thực hiện điều này”.