Trisha Taylor chưa bao giờ để những khiếm khuyết về cơ thể cản trở mình theo đuổi giấc mơ trở thành một người mẹ. Người phụ nữ sống ở thành phố Boise, bang Idaho (Mỹ) cất tiếng khóc chào đời vào ngày 3/8/1989. Đau lòng thay, cơ thể Trisha không được toàn vẹn như những người khác.
Cô sinh ra với tay chân vòng kiềng và bị gãy 150 chiếc xương. Kết quả chụp X-quang cho thấy Trisha mắc chứng xương thủy tinh, căn bệnh xảy ra do đột biến gene dẫn đến thiếu hụt thành phần collagen của mô liên kết, khiến xương rất giòn và dễ gãy. Ngoài ra, người bị xương thủy tinh còn có chiều cao khiêm tốn hơn bình thường, gặp các vấn đề về răng, đau khớp và thính giác.
Dù đã 31 tuổi, song Trisha chỉ cao chưa đầy 0,9 m và thường xuyên phải ngồi xe lăn để di chuyển từ khi mới lên 3. Thế nhưng, biết bao nghiệt ngã của cuộc đời cũng không thể đánh bại người phụ nữ kiên cường này. Cô vẫn nhìn cuộc sống bằng ánh mắt tích cực, có một tình yêu ngọt ngào cùng chồng là anh Michael Taylor. Và giờ đây, sau nhiều năm nỗ lực, hạnh phúc của Trisha càng thêm trọn vẹn vì cô đã có thể biến ước mơ được làm mẹ trở thành sự thật.
Thuở ban đầu, bác sĩ đã cảnh báo Trisha về hàng loạt rủi ro khi mang thai, bởi sự phát triển của em bé có thể "nghiền vụn" từng chiếc xương của cô. Song với khát khao làm mẹ cháy bỏng, người phụ nữ 31 tuổi không màng đến hiểm nguy. Ngay từ khi còn nhỏ, Trisha đã rèn luyện cho mình ý chí hơn người, quyết không đầu hàng trước nghịch cảnh. Thay vì cam chịu phụ thuộc vào sự chăm sóc của mọi người, cô luôn cố gắng để có thể điều khiển xe lăn và rời giường bằng chính sức mình.
Khi còn bé, Trisha may mắn được lớn lên trong vòng tay gia đình, bạn bè tương thân tương ái. "Tôi không được nuôi dạy theo cách của một người khuyết tật, cũng không ai trong trường học cười nhạo tôi như thế", cô vui vẻ nói. Bạn bè của Trisha luôn ở bên bảo vệ cô khỏi những trò đùa dai của nhóm học sinh mới đến.
Tuy nhiên, căn bệnh di truyền khiến Trisha bị gãy xương ít nhất một lần mỗi tháng, xương cốt giòn đến mức thở thôi cũng khiến lồng ngực cô căng tức khó chịu, phải dùng máy thở oxy xuyên suốt. Ở tuổi 12, Trisha bắt đầu một phương pháp điều trị mới. Cứ mỗi 3 tháng, cô đều đến bệnh viện 3 ngày để dùng thuốc pamidronate để ức chế tiêu xương. Nhờ vậy, sau 6 tháng, Trisha có thể tự nâng cơ thể lên mà không cần ai giúp. Năm 15 tuổi, cô đã có thể tự thở và chỉ dùng bình dưỡng khí khi ngủ. Đến khi 17, cô đã có thể tự mình vào nhà vệ sinh và điều khiển xe lăn.
Thời gian dần trôi, Trisha trở thành một cô gái lạc quan, tươi sáng. Năm 2007, cô gặp gỡ tình yêu của đời mình, anh Michael Taylor, trong lúc theo học tại trường Cao đẳng Nam Idaho và cùng anh bước vào thánh đường hôn nhân sau gần một năm hẹn hò. Thế nhưng, vì mắc phải căn bệnh quái ác nên chỉ một lần hắt hơi, ho hoặc thậm chí nằm sai tư thế cũng khiến xương cốt Trisha gãy làm đôi, cặp vợ chồng đành ngậm ngùi chấp nhận việc rất có thể họ sẽ không có con.
Bất chấp cảnh báo của bác sĩ, Trisha vẫn hạ quyết tâm mang thai con của Michael và phải trải qua hai lần đau đớn đến chết lặng vì mất đi đứa con chưa kịp thành hình. Diệu kỳ thay, trong lần bầu bí thứ ba, vợ chồng cô đã thành công chờ được bé Maven lớn đến tuần thứ 32 để tiến hành sinh mổ. Giờ đây, bé trai kháu khỉnh nhà Taylor đã tròn 4 tuổi, vô cùng hoạt bát khỏe mạnh và không bị di truyền bệnh xương thủy tinh của mẹ.
Trisha đã chia sẻ về hành trình làm mẹ của mình trên trang blog And She Did: "Khi tôi nói với bác sĩ mình sẽ ngưng dùng biện pháp tránh thai, ông ấy đã hết lời khuyên nhủ tôi không nên làm vậy để tránh nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ lẫn con. Nhưng tôi không đắn đo nhiều như thế, sau rất nhiều nỗ lực, chúng tôi đã chào đón con trai khỏe mạnh đến với thế giới này".
Từ khi lên 2 tuổi, chiều cao của Maven đã vượt trội so với mẹ, khiến Trisha rất đỗi tự hào. "Đối với tôi, chiều cao không phải là vấn đề lớn", cô nói. "Điều đó có nghĩa là thằng bé đang phát triển tốt. Michael cao hơn 1,8 m, tất nhiên tôi biết Maven sẽ không thấp được".