Chính vì ý nghĩa đó mà đêm 30 giao thừa cũng được người dân châu Á xem trọng chẳng thua kém ngày mồng 1 đầu năm. Mỗi quốc gia lại có một loạt các tập tục, truyền thống khác nhau để chào đón khoảnh khắc thiêng liêng này. Chúng ta đã quá quen với việc trang trí nhà cửa với sắc mai đào rạng rỡ, quây quần bên mâm cơm gia đình, làm lễ cúng dâng ông bà tổ tiên, vậy còn người dân ở nơi khác thì sao?
1, Nhật Bản
Dù đã chuyển sang kiểu đón năm mới “2 trong 1” - gộp chung Tết dương lịch và Tết nguyên đán - nhưng truyền thống trong đêm giao thừa chưa bao giờ bị người Nhật lãng quên. Vào đêm cuối cùng trước khi bước sang năm mới, họ thường ăn một bát mì sợi dài toshikoshi-soba đại biểu cho sự trường thọ, sau đó nhâm nhi chút rượu ngọt amazake rồi lên đường ghé thăm đền chùa, gieo quẻ lành đầu năm. Đúng vào lúc giao thừa, các ngôi chùa ở khắp nước Nhật sẽ đồng loạt gióng 108 hồi chuông, tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục trong nội tâm con người theo lời dạy của Đức Phật. Khi đến thăm Thần điện, họ thường sử dụng đồng 5 yên để dâng hương vì nó phát âm tương tự chữ “may mắn” hay “duyên” trong tiếng Nhật.
2, Hàn Quốc
Người Hàn có tục đốt thanh tre, tạo nên tiếng nổ tanh tách nhằm xua đuổi tà ma, sau đó vào nhà tắm nước nóng để tẩy trần, tiếp đến thay bộ hanbok truyền thống chuẩn bị cho lễ thờ cúng tổ tiên. Họ thường thức trắng đêm để chờ qua năm mới, bởi quan niệm xưa cho rằng ngủ mê trong đêm giao thừa sẽ khiến râu tóc bạc trắng, đầu óc chậm chạp, thân thể yếu nhược. Mâm cỗ đêm 30 của người Hàn có hơn 20 món ăn khác nhau, tuy nhiên hai cái tên không thể vắng mặt là kim chi và canh bánh gạo (Tteok kuk).
3, Trung Quốc
Các gia đình sẽ trang trí nhà bằng những vật ngụ ý tốt lành, có màu đỏ như câu đối, đèn lồng, pháo… Từ sớm 30, con cháu phương xa đã tụ họp đầy đủ ở nhà ông bà, bố mẹ, cùng nhau gói sủi cảo và chuyện trò rôm rả, đến tối thì cùng nhau xem chương trình mừng năm mới trên TV. Sủi cảo là món ăn xuất hiện từ thời Đông Hán, dần dà trở nên phổ biến và lên ngôi món ăn truyền thống trong dịp Tết ở đất nước tỷ dân.
Người dân Trung Quốc ăn sủi cảo để cầu mong gia đình đoàn viên, hạnh phúc, ngoài ra, hình dạng tương tự nén bạc của món này cũng mang lại ý nghĩa may mắn về tiền tài. Trên mâm cơm giao thừa phải có món cá, hơn nữa phải để dành qua đêm để chúc mỗi năm đều dư dả (cá trong tiếng Trung là “ngư”, đồng âm với “dư”). Họ cũng tránh không ăn thịt linh vật đại diện cho năm mới trong những ngày đầu năm.
4, Mông Cổ
Người dân thảo nguyên đã chuẩn bị cho đêm giao thừa và ngày đầu năm từ nhiều tuần trước. Mỗi gia đình cần chuẩn bị hàng trăm chiếc bánh buuz nhân thịt cừu. Sau khi mọi việc xong xuôi, họ bắt tay quét dọn nhà cửa từ sau ra trước, đặt ba viên đá lạnh ngoài cửa nhà để thần ngựa Palden Lhamo nhấp môi giải khát khi đến thăm, đồng thời rửa sạch chén bát bằng sữa ngựa. Suốt đêm giao thừa, họ hàng quây quần bên nhau ăn uống say sưa và xem đấu vật trên TV, hứng thú dạt dào thì có thể bày sòng chơi bài tại chỗ.
5, Đài Loan
Nhà nhà ở Đài Loan đều chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn để đón tổ tiên về ăn cùng con cháu. Họ sẽ cùng nhau thức suốt đêm để nguyện cầu ông bà, bố mẹ được mạnh khỏe, sống lâu, sau đó cùng sum họp dùng bữa và đi chùa cầu may ngay khi đồng hồ vừa điểm sang năm mới.
6, Hong Kong
Người Hong Kong đón năm mới bằng chợ hoa diễn ra từ 25 đến 30 Tết âm lịch, với cả một mảnh đất muôn hồng nghìn tía như cây quất, thủy tiên, mẫu đơn, quýt, đào… Xem đua ngựa cũng là một nét đẹp trong truyền thống đón giao thừa của người Hong Kong. Bạn còn nhớ trường đua chật kín người trong những thước phim thập niên 80 - 90 chứ? Theo quan niệm của cư dân nơi này, đến xem đua ngựa ngày đầu năm và đặt cược cho “chiến mã” mình yêu thích sẽ mang lại may mắn.
Song, có lẽ đặc sắc nhất vẫn là màn pháo hoa rực rỡ sắc màu kéo dài suốt 30 phút ở cảng Victoria. Bản hòa tấu của vô vàn tia sáng khiến bầu trời đêm cũng bừng bừng sức sống như dải ngân hà, tiếng pháo giòn tan lại mang ý nghĩa xua đuổi điềm gở cùng quỷ dữ, mang đến năm mới ấm no, an bình.
7, Singapore
Giao thừa ở đảo quốc sư tử rộn rã trong tiếng chiêng trống rền vang của đội múa lân và âm thanh náo nhiệt của các sự kiện ca hát, vui chơi khắp đường phố. Phong tục đón giao thừa ở Singapore cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, tiêu biểu là truyền thống viếng thăm đền chùa trong đêm giao thừa để cầu chúc năm mới an lành, vạn sự như ý.
8, Indonesia
Cũng tương tự như các quốc gia còn lại, người dân Indonesia chuyên tâm dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước đêm giao thừa để cử hành nghi lễ tế bái tổ tiên, mâm cúng gồm bánh và trái cây được đặt trước nhà. Các thành viên sẽ lần lượt dâng hương, vái 3 lần để tỏ lòng thành mời các vị thần dừng chân hưởng dụng. Mâm cỗ cúng tổ tiên cũng phải được chuẩn bị sẵn trong nhà, tiếp đến chỉ cần thắp hương và vái lạy, sau đó mọi người quây quần bên bàn cơm Tất niên. Người Indonesia quan niệm vào đêm giao thừa, cả căn nhà phải bật đèn sáng suốt đêm. Nếu không làm thế, thần tương lai sẽ lạc lối, không ghé vào gia đình họ.