Chính quyền Indonesia vừa ban hành hàng loạt lệnh cấm liên quan đến việc nhập khẩu rác, quyết định này dẫn đến việc rác thải khi cập cảng đảo quốc này sẽ phải quay trở về nơi xuất xứ của nó, gồm các cường quốc về công nghiệp và chất thải như Trung Quốc, Mỹ, Canada hay Úc.
Những nhóm hoạt động vì môi trường khen ngợi quyết định này của chính phủ vì đã cứu rỗi môi trường quốc gia này khỏi cơn u ám bốc mùi. Tuy nhiên, từ chính tâm bão của sự kiện - người dân làng Bangun, nơi tập trung nhiều rác thải nhập khẩu từ nước ngoài nhất - lại tỏ ra không mấy vui vẻ sau khi đạo luật được ban hành.
Nghe qua tưởng chừng như vô lý nhưng thật ra lại rất thuyết phục, dân làng Bangun có lý do khiến họ cảm thấy thất vọng. “Nếu lệnh cấm được đưa ra thì chính phủ cần có chính sách hỗ trợ việc làm cho chúng tôi, nếu không chúng tôi sẽ lâm vào cảnh mất việc và không có thu nhập”, Heri Masud, người sống tại làng cho biết.
Heri Masud là một trong 3.600 người dân khác sinh sống ở làng Bangun giữa những đống rác thải chất cao như núi. Sân trước và sân sau của mỗi ngôi nhà ở đây lúc trước được dùng làm sân phơi thóc, giờ đây thứ hạt màu vàng đã được thay thế bằng thứ màu đen kịt của rác thải.
Từ khi những lô rác đầu tiên cập bến ngôi làng này, người dân đã tìm thấy tiềm năng kiếm tiền từ nó. Người ta lục tìm nhựa, nhôm cùng nhiều kim loại khác để bán lại cho các công ty tái chế. Các cơ sở sản xuất đậu hũ trong vùng cũng tranh thủ kiếm chất thải để tái sử dụng mà đốt lò, nấu nướng.
Anh Masud cho biết, từ khi kiếm thu nhập được qua việc tìm kiếm rác tái chế, dân làng đã có tiền để hành hương đến Hajj - trung tâm thờ phượng tâm linh nhất trong thế giới Hồi Giáo ở Ả Rập Saudi. “Mỗi năm có khoảng 20 người đủ tiền để đến Hajj, tiền đó có được từ việc bán phế liệu”, anh cho biết thêm.
Ông Salam năm nay 54 tuổi, dùng số tiền kiếm được sau cả ngày lặn hụp ở bãi rác để trả tiền học phí cho con cái, ông cũng dành dụm tiền và đã hiện thực hóa được ước mơ mua một căn nhà cho gia đình mình và mua một đàn gia súc về để chăn nuôi.
“Hiện tại tôi đang có 9 con dê. Để có đủ tiền mua từng này thứ mà chỉ làm nghề nông, chắc còn rất lâu tôi mới thực hiện được giấc mơ của mình. Công việc này kiếm được nhiều tiền hơn nhưng cũng không quá vất vả khi phải cày cuốc ngoài đồng cực khổ cả ngày”, ông chia sẻ.
Đối với phần lớn người dân trong làng, đống rác khổng lồ rõ ràng đem lại rất nhiều lợi ích cho họ. Nhưng họ không nhìn xa hoặc không muốn nhìn như vậy, vì trong tương lai sức khỏe của cả làng sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng cũng như môi trường ở khu vực sẽ bị hủy hoại dữ dội.
Theo nghiên cứu từ nhóm hoạt động vì môi trường ECOTON, họ đã tìm thấy những hạt vi nhựa trong dòng nước ở sông Brantas cùng mạch nước ngầm bên dưới làng Bangun, nguồn nước này chảy đến 5 triệu người trong khu vực và được sử dụng làm nước uống, nước sinh hoạt.
Indonesia đã nhập khẩu 283.000 tấn rác thải nhựa vào năm ngoái, tăng 141% so với cùng kỳ năm trước đó. Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015, đảo quốc này là nước đứng thứ hai trên thế giới về tỷ lệ gây nhiễm nhựa vào đại dương.
Từ trong lòng, Indonesia cũng tự tạo ra 105.000 tấn chất thải rắn là rác sinh hoạt mỗi ngày ở các khu vực đô thị nhưng chỉ 15% trong số chúng được tái chế. Các bãi rác và cơ sở tái chế hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khổng lồ, rác thải không kịp tái chế được thải thẳng ra biển và tạo nên những hòn đảo rác ở ngoài khơi.
“Chúng ta luôn than phiền về lượng khác khổng lồ trong nước, giờ đây ta lại phải nhập khẩu thêm rác thải từ Mỹ”, Prigi Arisandi, người đại diện cho tổ chức ECOTON phát ngôn trong một sự kiện kêu gọi môi trường xanh diễn ra trước Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Surabaya, Đông Java vào tuần trước.
Chính quyền Indonesia đưa ra kế hoạch giảm 70% mẩu nhựa nhỏ trên biển từ nay cho đến năm 2025 và cam kết chi 1 tỷ USD cho chương trình này, tuy nhiên không ai kiểm soát và biết được tiến trình thật sự đang diễn ra đã đi đến đâu. Nước này cũng áp mức thuế nặng lên ngành nhựa nhưng nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ các ông lớn trong ngành.
Cuối cùng, người dân ở làng Bangun vẫn sinh sống nhờ vào kế sinh nhai tạo ra ở bãi rác. Các bước đi mới của chính phủ khiến rác quốc tế cập cảng ngôi làng này ít dần đi, nhưng nó không thật sự đáng kể bởi rác nội địa vẫn còn rất nhiều. Dân Bangun dần đánh mất nghề nông của cha ông mà bám vào các núi rác để tồn tại.