Trong thời tiết nắng nóng đạt tới ngưỡng kỷ lục, nhu cầu uống nước cũng nhiều hơn bao giờ hết. Thế nhưng, những cô gái như Mona (13 tuổi, không phải tên thật) sống tại một khu ổ chuột ở thành phố Delhi, Ấn Độ, lại luôn né tránh chuyện uống nước và lo lắng về việc đi vệ sinh mỗi ngày.
“Thỉnh thoảng cháu uống ít nước hơn bình thường vì chỗ chúng cháu đi vệ sinh là ở ngoài trời và ở đó có rất nhiều đàn ông. Cháu rất sợ phải đến đó“, Mona chia sẻ với BBC.
Cô gái 13 tuổi cũng hạn chế ăn và chỉ đi vệ sinh duy nhất một lần trong ngày. Mỗi lần như vậy, cô thường đi với một nhóm phụ nữ khác vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn chứ không bao giờ dám đi một mình.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, có khoảng 524 triệu người Ấn Độ phải sử dụng nhà vệ sinh “lộ thiên” mỗi ngày. Đối với phụ nữ, điều này khiến họ dễ bị tấn công tình dục hơn. Hơn nữa, điều này không chỉ là giả thuyết mà các nghiên cứu cũng từng chỉ ra nguy cơ bị tấn công tình dục ở phụ nữ Ấn Độ cao hơn nhiều khi sử dụng nhà vệ sinh lộ thiên.
Savita, một phụ nữ khác sống tại khu ổ chuột ở Delhi kể lại nỗi kinh hoàng mà cô phải trải qua mỗi ngày: “Nhiều phụ nữ bị các thanh thiếu niên địa phương lạm dụng, nhìn trộm khi họ buộc phải tới khu vệ sinh lộ thiên. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi lại sợ tới đó. Mỗi lần đến, chúng tôi đi thành một nhóm và thường là vào rừng“.
Hạn chế uống nước
Điều gì đã xảy ra khi những người phụ nữ Ấn Độ buộc phải chọn lựa giữa sức khỏe và sự an toàn?
Ông Gulrez Shah Azhar, một nhà nghiên cứu của Tổ chức RAND tại Mỹ nói: “Họ cố tình khiến mình bị mất nước và điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe nếu thời tiết nắng nóng trong thời gian dài“.
Theo một nghiên cứu từ năm 2010, phụ nữ tại các thành phố ở phía tây Ahmedabad và Gulrez có nguy cơ chết vì nắng nóng nhiều hơn nam giới. “Người ta thường nghĩ rằng phụ nữ ở trong nhà nhiều nên ít chịu ảnh hưởng bởi bức xạ nhiệt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn có yếu tố khác làm thay đổi quan điểm này đó là điều kiện sống cơ bản“, ông Gulrez nói.
Ở một số hộ gia đình, nguồn tạo khí mát duy nhất chính là quạt trần, nhưng tình trạng mất điện vẫn thường xuyên xảy ra tại quốc gia này. Bên cạnh đó, nấu ăn trong nhà sẽ khiến nhiệt độ phòng tăng lên. Và ngay cả trang phục truyền thống của người phụ nữ Ấn Độ - bộ sari dài 5-6 m, quấn vài vòng quanh cơ thể - có thể trở thành cái bẫy nhiệt đối với một số người.
Nắng nóng chạm ngưỡng kỷ lục
Vào mùa hè, làng Makhla ở Vidarbhal, bang Maharashtra luôn là một chảo lửa với nhiệt độ tăng cao tới 47 độ C. Nắng nóng khiến tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng, khiến nhiều người phụ nữ phải đi bộ khá xa giữa trời nắng để đem vài lít nước về nhà.
Bhuni Shelukar, một cô gái sống trong làng chia sẻ: “Chúng tôi đi bộ 2 - 3 km để lấy nước nhưng vẫn không đủ. Chúng tôi phải đi rất nhiều lần vì mỗi lần chỉ mang được một xô nước. Chúng tôi phải đội rất nặng ở trên đầu và điều này khiến chúng tôi kiệt sức“.
Ở phía tây thành phố Ahmedabad, phụ nữ cũng phải làm hết công việc nhà như nấu ăn, dọn dẹp nhưng họ vẫn không thể đảm bảo được sức khỏe của chính mình. Damini Rameshbhai Marwadi là một trong những phụ nữ như vậy.
“Rất bất tiện để sử dụng nhà vệ sinh. Đàn ông luôn được ưu tiên sử dụng trước“, Damini chia sẻ.
Phải tự hạn chế uống nước
Damini nói: “Là phụ nữ, chúng tôi phải ưu tiên làm việc nhà trước. Vào mùa hè, tôi luôn bị vàng da vì phải tự hạn chế uống nước cũng như các nhu cầu của bản thân“.
Nhà nghiên cứu Gulrez nói: “Văn hóa của sự im lặng bao quanh các vấn đề vệ sinh của phụ nữ sẽ dẫn đến cái chết của họ. Giải pháp lâu dài là giải quyết vấn đề về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ“.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và cơ quan Liên hợp quốc về khoa học khí hậu từ lâu đã cảnh báo về thời tiết cực đoan ở Nam Á sẽ diễn ra trong thời gian dài. Trong khi đó, khu vực này lại là nơi sinh sống của một phần năm dân số thế giới.
Bên cạnh đó, ông Gulrez cũng nói rằng điều quan trọng nhất là tìm ra giải pháp phù hợp với môi trường địa phương để khắc phục nắng nóng chẳng hạn như sơn mái nhà bằng sơn phản chiếu màu trắng hoặc treo rèm, mành ở cửa sổ… để giảm bớt nhiệt độ cho những người thường ở trong nhà. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là sử dụng nhà vệ sinh bên trong và đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.