Khác hẳn với những năm trước, người dân ở Australia hiện đang đối diện với cái lạnh thấu xương giữa mùa hè. Theo nhà Khí tượng học Rob Sharpe của Sky News, một số nơi thuộc các vùng phía Đông Nam Australia như Melbourne, Hobart và Canberra đang phải chịu mức nhiệt thấp kỷ lục do một khối không khí lạnh di chuyển về phía bắc từ Nam Đại Dương.
Được biết, từ đầu mùa hè đến nay, số ngày nắng nóng tại Australia không nhiều và chủ yếu xuất hiện ở 2 bang nằm miền Trung và phía Tây nước này là Lãnh thổ Bắc Australia và bang Tây Australia. Trong khi đó, phía Đông Nam Australia thời tiết lại khá mát mẻ.
Đặc biệt, những ngày qua do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mà các vùng Melbourne, Hobart và Canberra nhiệt độ hạ xuống rất nhiều, lạnh giá như mùa đông. Tại một số thành phố, nhiệt độ đều đã lập mức kỷ lục thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tuyết đã rơi trên dãy An-pơ và trên cao nguyên Tasmania trong suốt cả tuần. Thứ Năm vừa qua là ngày lạnh nhất trong tháng 12 ở Hobart kể từ năm 1964, nhiệt độ tối đa chỉ đạt 11,5 độ C. Tuyết phủ trắng xóa trên đỉnh núi Wellington có độ cao 1.500 mét so với mực nước biển.
Melbourne cũng phải đối mặt với nhiệt độ lạnh bất thường, tối đa chỉ 12 độ C vào thứ Ba và chỉ đạt 17 độ C vào thứ Năm.
Brooke Oakley, nhà khí tượng học cao cấp tại Cục Khí tượng cho biết, nhiệt độ "thấp hơn nhiều so với mức trung bình" nhưng bà cũng nói thêm rằng đợt lạnh sẽ không kéo dài.
Sở dĩ Australia đang trải qua mùa hè băng giá khác hẳn mọi năm là vì nước này đang phải đối phó với hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina năm thứ 3 liên tiếp. Theo dự báo, hiện tượng La Nina sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, vào tháng 1 có thể thời tiết sẽ trở lại bình thường khi La Nina yếu dần đi.
Xem thêm: Vỡ thủy cung đứng cao nhất thế giới, 1 triệu lít nước đổ tràn ra đường phố