Theo đó, phóng viên này thuộc kênh truyền hình TVN của Ba Lan. Trước đó, vào ngày 8/7, một máy bay không người lái của đài truyền hình PPTV của Thái Lan cũng áp sát một trực thăng MI-17 của quân đội hoàng gia - chiếc trực thăng chở một trong 4 cầu thủ nhí được giải cứu từ hang Tham Luang tới bệnh viện.
Không chỉ vậy, phóng viên thuộc đài này còn truy cập bất hợp pháp vào tần số sóng radio của cảnh sát, đưa tin sai lệch về chiến dịch giải cứu, khiến đội cứu hộ nhiều lần phải đính chính thông tin.
Trên thực tế, ban biên tập của đài PPTV không hề biết việc phóng viên của đài sử dụng thiết bị điều khiển từ xa để đưa tin hiện trường giải cứu sẽ vi phạm luật và làm ảnh hưởng đến tiến trình. Ngay sau đó, kênh PPTV cũng lên tiếng xin lỗi và khẳng định sẽ không để xảy ra trường hợp tương tự nữa.
Ngoài ra, ông Narongsak Osottanakorn, chỉ huy đội cứu hộ cũng đưa ra lời răn đe, cảnh cáo chung với giới truyền thông vào ngày 9/7: “Đây hoàn toàn là một hành động sai trái. Đây là lần cuối cùng tôi yêu cầu truyền thông nên dừng ngay hành động này lại. Các bạn nên dùng tư liệu do cơ quan cứu hộ cung cấp, đừng vì cạnh tranh nhau để có những hình ảnh riêng mà làm ảnh hưởng đến quá trình giải cứu đội bóng”.
Mặc dù vậy, phóng viên Ba Lan nói trên vẫn cố chấp phạm sai lầm nên giới chức Thái Lan đã mạnh tay xử lý. Hiện không rõ phóng viên này sẽ phải nhận được hình thức kỷ luật gì và bao giờ được thả.