Gan ngỗng béo (foie gras) là một niềm tự hào của ẩm thực Pháp, đồng thời cũng là một trong những món ăn đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Thế nhưng bên cạnh niềm tự hào đó, foie gras cũng là loại thực phẩm gây nhiều tranh cãi tại rất nhiều nước trên thế giới. Sự tranh cãi này xuất phát từ quy trình nuôi ngỗng lấy gan thực sự… tàn khốc.
Quy trình đó như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trải nghiệm điều này.
Từ niềm tự hào của nền ẩm thực Pháp…
Cần khẳng định rằng, gan ngỗng của Pháp không phải loại gan ngỗng bình thường, mà là gan ngỗng vỗ béo - được “chắt lọc” từ những con ngỗng được nhồi ăn quá mức để có bộ gan khổng lồ.
Gan ngỗng vỗ béo mang hương vị thanh tao, béo nhẹ, kết cấu mềm mại như lụa, thay vì đặc ngấy như gan thông thường.
Kỹ thuật vỗ béo gia cầm để tạo gan nhiễm mỡ thơm ngon thực chất không bắt nguồn từ Pháp mà là tại Ai Cập, vào khoảng 2000 năm TCN. Phải đến khi đế chế Rome tại châu Âu sụp đổ, kỹ thuật này mới được Pháp tiếp thu và cải tiến, tạo thành foie gras (gan ngỗng vỗ béo) - tinh hoa ẩm thực như ngày nay.
Qua thời gian, foie gras đã gắn liền với ẩm thực truyền thống của Pháp như một niềm tự hào không gì suy chuyển. Quốc gia này thậm chí đã ghi hẳn trong bộ luật: “Gan ngỗng vỗ béo thuộc về di sản văn hóa và ẩm thực của nước Pháp”.
Và câu chuyện tàn khốc phía sau đó…
Nhưng tất nhiên cái gì cũng có giá của nó. Để tạo nên được những lá gan ngỗng béo thơm ngon, tất nhiên ngỗng không thể được nuôi giống như… vịt ở Việt Nam, mà thay vào đó là một quy trình vô cùng tàn khốc.
Đằng sau món ăn thượng hạng là một câu chuyện rất thương tâm
Sự tàn khốc trước tiên đến từ cách họ vỗ béo ngỗng. Để có những lá gan chất lượng tuyệt hảo, ngỗng sẽ bị… banh miệng theo đúng nghĩa đen mỗi ngày từ 2 - 4 lần.
Một chiếc ống kim loại sẽ được đưa thẳng vào cổ họng chúng, bơm khoảng… 10 kg ngũ cốc (thường là ngô) vào dạ dày để vỗ béo.
Quá trình này sẽ khiến lá gan của ngỗng lớn đột biến, gấp 10 lần so với ngỗng bình thường. Tuy nhiên, lá gan quá lớn sẽ đè vào phổi, khiến chúng thở còn khó khăn.
Ngoài ra, nhiều chú ngỗng không thể đứng lên nổi, thậm chí gãy cả chân vì quá nặng nề. Chưa kể, cân nặng quá lớn sẽ gây căng thẳng, khiến ngỗng “điên cuồng” rỉa lông thậm chí tấn công lẫn nhau.
Đó là câu chuyện tại các hộ gia đình, còn tại các nhà máy công nghiệp, mức độ còn… khủng khiếp hơn gấp nhiều lần.
Ngỗng sẽ được nuôi nhốt trong lồng rất rất chật, không thể di chuyển để tránh tình trạng tấn công lẫn nhau. Chúng cũng không được tắm rửa bằng cách vầy nước như tập tính vốn có nên cơ thể bị bao phủ bởi một lớp dầu - vốn là thứ giữ cho bộ lông của ngỗng không thấm nước. Tất cả những gì chúng có thể làm là… cựa quậy, vẫy vẫy phần cánh và quay đầu sang hai bên.
Cùng với điều kiện vệ sinh kém, chế độ ăn “tàn nhẫn” mà lại không được “thư giãn” như bản năng vốn có nên những chú ngỗng này càng căng thẳng hơn. Và hệ quả là chúng… vẫy vùng, tự làm tổn thương bản thân m
ình hơn.
Chưa kể, tình trạng nhiễm trùng 2 chân gây đau đớn ở ngỗng không phải là chuyện hiếm tại những trang trại này.
Ngoài ra, ngỗng còn gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như nhiễm nấm, tiêu chảy, rách thực quản, viêm phổi… Và tất nhiên, những chú ngỗng chết sẽ bị vứt không thương tiếc.
Ngoài ra, tất cả gan ngỗng gỗ béo đều đến từ ngỗng đực. Vì thế ngỗng cái - những sinh vật được xem là “vô dụng” trong ngành công nghiệp này - sẽ bị vứt vào máy nghiền để làm thức ăn cho mèo, hoặc làm phân bón.
… đến món ăn gây nhiều tranh cãi trên toàn thế giới
Quy trình khắc nghiệt là thế nhưng ngành công nghiệp vỗ béo gan ngỗng còn khiến giới ẩm thực thế giới lo ngại.
Theo thống kê, tỷ lệ ngỗng bị chết trong quá trình vỗ béo lớn hơn gấp 20 lần so với ngỗng được nuôi theo cách thông thường, và để đảm bảo lợi nhuận người ta thu hoạch cả gan của ngỗng chết trước khi bị giết mổ. Tính riêng tại một trang trại của Pháp, có khoảng 15.000 ngỗng mỗi năm rơi vào tình trạng này.
Thậm chí hàng tuần, có tới 5.000 lá gan được lấy từ ngỗng chết bệnh. Điều này chắc chắn không hề có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng. Chưa kể, quy trình nuôi lấy gan quá tàn khốc cũng khiến nhiều quốc gia cấm nhập khẩu hoàn toàn loại thực phẩm này, như Mỹ (bang California) và Ấn Độ.
Tại Isarael, Đức, Na Uy và Anh, việc sản xuất gan ngỗng vỗ béo là sai pháp luật bởi họ cho rằng, việc cố vỗ béo cho ngỗng rồi lấy gan của chúng là vô cùng tàn nhẫn.
Tuy nhiên, giới đầu bếp lại ra sức bảo vệ sự phát triển của ẩm thực - cụ thể là món gan ngỗng vỗ béo chưa bao giờ “hết hot” này. Bởi vậy, sẽ không sai khi cho rằng, cuộc chiến giữa một bên là nhà bảo vệ quyền lợi động vật, một bên là giới đầu bếp là cuộc chiến khó có hồi kết.