Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Mánh khóe tinh vi trong đường dây 25 triệu đô chạy suất vào đại học Mỹ danh tiếng đang gây chấn động

Thuê người thi hộ, đút lót giám thị để nhắc bài cho học sinh, hoặc sửa lại bài thi cho học sinh hay làm giả hồ sơ là vài chiêu thức mà đường dây chạy vào các trường đại học danh tiếng Mỹ áp dụng suốt nhiều năm qua.

Andrew Lelling, luật sư bang Massachusetts, đã buộc tội lừa đảo đối với 50 người tham gia vào đường dây chạy trường cho những đứa trẻ con nhà giàu có vào 8 trường đại học khác nhau bao gồm Yale, Georgetown và USC. Những người này bị buộc tội gian lận 25 triệu USD trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018 để lo lót cho các thí sinh vào đại học danh tiếng.

Joseph Bonovolanta, đặc vụ phụ trách văn phòng của FBI ở thành phố Boston, đã mô tả chiến dịch điều tra Operation Varsity Blues kéo dài 10 tháng đã “vạch trần” nền văn hóa tham nhũng khi tạo ra một sân chơi không đồng đều, trong đó, những học sinh kém chất lượng và gia đình họ chỉ đơn giản là “mua” suất vào trường đại học theo cách của họ.

Những ai bị buộc tội?

William Rick Singer - kẻ cầm đầu đường dây chạy suất vào các trường ĐH danh tiếng ở Mỹ.

50 người bị buộc tội liên quan tới hoạt động chạy trường này gồm 33 phụ huynh, một giám thị kỳ thi tuyển sinh đại học, một quản trị viên đại học, 9 huấn luyện viên thể dục trường đại học, hai quản trị viên ACT/SAT và 3 người giật dây đường dây này, bao gồm kẻ chủ mưu - William Rick Singer.

Trong số các phụ huynh liên quan tới đường dây này có nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin; chồng của Loughlin, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli; các CEO, luật sư và những người giàu có và quyền lực khác.

Đường dây hoạt động như thế nào?

Có hai mánh khóe gian lận trong đường dây chạy trường này.

Đầu tiên là gian lận trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Theo cáo trạng, một số trường hợp sẽ được sắp xếp người thi hộ, một số trường hợp khác là “tuồn” đáp án trong các bài thi hoặc cách thứ 3 là sửa câu trả lời của học sinh sau khi hoàn thành bài kiểm tra.

Nữ diễn viên Felicity Huffman đang bị buộc tội vì sử dụng mánh khóe gian lận này. Theo đó, Felicity Huffman đã gặp một người “có quyền kiểm soát” tại một địa điểm diễn ra kỳ thi SAT.

Felicity Huffman, Lori Loughlin - hai diễn viên Hollywood liên quan tới đường dây chạy trường cho con vào ĐH Mỹ.

Người này, sau là nhân chứng hợp tác trong quá trình điều tra, đã đảm bảo tăng 100% thời gian làm bài cho con gái lớn của nữ diễn viên. Sau khi con gái của Huffman nhận lịch xếp thi tại trường, cô liên hệ với người nhận chuyển bài kiểm tra của con gái cô từ trường trung học tới Trung tâm kiểm tra West Hollywood. Ở đó, một giám sát viên trong đường dây chạy trường đã chỉnh sửa bài thi của con gái Huffman.

Người giám sát này khai với Cục điều tra liên bang Mỹ FBI rằng mỗi lần coi thi ở Los Angeles, anh ta đều tạo điều kiện cho việc gian lận, bằng cách sửa các câu trả lời của học sinh sau bài kiểm tra hoặc tích cực “hỗ trợ” học sinh trong kỳ thi.

Con gái Huffman nhận được 1420 điểm, tăng 400 điểm so với điểm PSAT của em cách đây một năm trước.

Mánh khóe thứ hai mà Singer cùng đồng phạm áp dụng là khách hàng của ông này- những người giàu có - trả tiền cho các huấn luyện viên thể dục và ban giám hiệu trường để nhận các sinh viên được người thân hối lộ vào trường với lý do họ trúng tuyển vào đội thể thao của trường. Sở dĩ mánh khóe này bị lợi dụng là bởi các huấn luyện viên thể dục được quyền truy cập vào danh sách điểm nhập học.

Mánh khóe này liên quan tới việc giả mạo hồ sơ gồm chứng chỉ thể thao, giúp các học sinh vốn không tham gia môn thể thao nào lại trở thành học sinh trung học có thành tích thể thao nổi trội.

Elisabeth Kimmel, Chủ tịch của Midwest tivi, Inc., đã dùng mánh khóe này để chạy trường cho con gái vào Georgetown, còn con trai vào trường ĐH USC.

“Giao dịch” như thế nào?

Lelling cho biết, phụ huynh đã trả từ 100.000 đến 6,5 triệu USD cho những kẻ cầm đầu đường dây để đảm bảo mỗi đứa trẻ được nhận vào trường ĐH yêu cầu.

Các khoản thanh toán này không gửi trực tiếp cho Singer hay “cấp dưới” của ông ta mà được chuyển vào Key Worldwide Foundation, một tổ chức từ thiện mà Singer lập ra để nhận hối lộ và chuyển tiền cho những kẻ khác cùng tham gia đường dây lừa đảo.

Christina O’Connell, đặc nhiệm vụ trách Bộ phận hình sự IRS ở Boston, nói rằng hơn 25 triệu USD đã được chuyển cho Singer dưới vỏ bọc là “tiền góp từ thiện”.

Đường dây bị phanh phui

FBI lần đầu tiên “nghe ngóng” được thông tin về đường dây chạy trường này thông qua nguồn tin từ một cuộc điều tra hoàn toàn riêng rẽ. Phần lớn cáo trạng được xây dựng xung quanh thông tin do hai nhân chứng cung cấp. Họ đã tiết lộ với FBI về những chuyện đang xảy ra và ghi âm lại các cuộc gọi điện thoại giữa họ và những kẻ cầm đầu.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Vụ bê bối chạy trường liên quan đến 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ, 50 người ở 6 tiểu bang bị cáo buộc. Kẻ chủ mưu Singer hiện đối mặt với hàng loạt cáo buộc, trong đó có rửa tiền, cản trở công lý. Nếu bị buộc tội, ông ta có thể đối mặt với án phạt hơn 1 triệu USD và 65 năm tù.

Cuộc điều tra hiện chưa kết thúc và có thể xuất hiện thêm nhiều tình tiết khác.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Bích

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố