Tuy nhiên, có một vấn đề nhức nhối đã tồn tại từ lâu, đó là vấn nạn dùng tiền thuê người đào trộm mộ cũ lấy chỗ cho mộ mới, khiến cả người đã mất lẫn thân nhân của họ không được yên.
Tại thành phố 20 triệu dân Karachi, việc tìm nơi yên nghỉ cho người đã khuất thực sự là vấn đề khó khăn. Một nghĩa trang đã chính thức kín chỗ trong 5 năm. Trong hoàn cảnh này, một hình thức tội phạm mới đã xuất hiện, được gọi bằng thuật ngữ "mafia đào mộ", tức là những người được thuê để phá bỏ những ngôi mộ cũ để dựng mộ mới cho những người chưa có nơi chôn cất.
Ông Muhammad Munir, ở thành phố Karachi, nói: "Đau lòng lắm. Bố tôi đã mất và ngôi mộ là nơi để chúng tôi tưởng nhớ bố. Thế nhưng khi đến đây chúng tôi chẳng thấy mộ của ông ấy đâu cả".
Thậm chí, ngay cả với những ngôi mộ còn hoa tươi, tức là mới có người viếng thăm, ngay sau khi họ ra về, ngôi mộ của người nhà họ cũng có thể biến mất ngay lập tức.
Trong khi đó, những người thuê "mafia đào mộ" cũng phải trả một cái giá không rẻ chút nào. Một người cho biết, hồi năm 1967, gia đình họ mất khoảng 50 Rupee theo quy định để chôn cất người thân, nhưng đến năm 2020, để người đã khuất có nơi an nghỉ, họ phải chi cho "mafia đào mộ" số tiền gấp 6 lần, nhưng không có gì đảm bảo ngôi mộ này sẽ không bị một "mafia" khác đào lên.
Giải thích cho tình trạng này, nhà chức trách địa phương cho biết, cơ sở hạ tầng thiếu thốn là nguyên nhân chính. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn cùng với việc quản lý nghĩa trang kém đang khiến người dân Karachi gặp nhiều khó khăn trong việc chôn cất người thân. Vấn đề tồn tại đã lâu và giới chức địa phương thừa nhận phải mất một thời gian dài mới có thể giải quyết.