Vai diễn Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) trong “Diên Hi Công Lược” là một nhân vật có thật trong lịch sử, được dựa trên nguyên mẫu của Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu hay Lệnh Ý Hoàng quý phi.
Với xuất thân thấp kém của một cung nữ để rồi trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt chốn thâm cung, con đường bước đến địa vị mẫu nghi thiên hạ “dưới một người, trên vạn người” của bà đã viết nên một câu chuyện truyền kỳ trong sử sách dưới thời nhà Thanh.
Con đường “thăng tiến” thuận lợi trong cuộc chiến “tranh sủng” khốc liệt chốn thâm cung
Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu, hay còn được biết đến là Ngụy Giai thị, con gái của nội quản Ngụy Thanh Thái, xuất thân từ tầng lớp bao y thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, hay nói cách khác là tầng lớp nô bộc phục vụ hoàng thất vô cùng tầm thường, thấp kém.
Bà vào cung với thân phận của một cung nữ, nhưng nhờ có nhan sắc tuyệt trần, tấm lòng thiện lương, giỏi cầm kỳ thi họa và hiểu biết hơn người nên đã trở thành một trong số ít những người nhận được sự sủng ái lâu dài của vua.
Năm Càn Long thứ 9 (1745), Ngụy Giai thị trở thành Ngụy Quý nhân, rất nhanh sau đó được phong Lệnh Tần, Lệnh Phi rồi đến Hoàng Quý phi.
Mặc dù khi còn sống, danh phận cao nhất của bà chỉ là Hoàng Quý phi, nhưng vì là mẹ ruột của Tân Hoàng đế, tức Gia Khánh Đế nên khi qua đời đã được truy phong là Hoàng hậu.
Lệnh phi là hậu phi sinh nhiều con nhất cho vua Càn Long, nhưng trước đó ít ai biết rằng, suốt 10 năm kể từ lúc vào cung, vì không thể sinh con nên con đường “thăng tiến” của bà dù có thuận lợi hơn so với nhiều người thì cũng không đủ trở thành mối đe dọa trong cuộc chiến “tranh sủng” của các phi tần khác.
Cho đến năm 29 tuổi, bà hạ sinh công chúa đầu lòng thì đây cũng là lúc sóng gió hậu cung chính thức nổi dậy.
Sau cái chết đột ngột của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, vua Càn Long lập Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu và giao quyền quản lý lục cung cho bà. Trong khi Lệnh phi liên tiếp hạ sinh Hoàng tử cho vua thì Kế Hoàng hậu lại đến tuổi khó sinh nở, Thập tam Hoàng tử chết yểu khi chưa tròn 2 tuổi, Thập nhị Hoàng tử là con trai duy nhất của bà lại không được lòng vua nên không khó hiểu khi địa vị của cả hai đều có những thay đổi đáng kể so với trước đó.
Kế hậu thất sủng, Lệnh Phi ở vị thế Hoàng Quý phi - là phi tần có tước vị cao nhất, đứng đầu hậu cung hơn 10 năm trời, và đồng thời cũng trở thành Hoàng Quý phi tại vị cuối cùng dưới thời Càn Long.
Người phụ nữ tri kỷ của Hoàng đế, được sủng ái và trân quý đến cuối đời
Giữa chốn hậu cung triều đại nhà Thanh ba nghìn giai lệ, Lệnh phi đã trở thành người hiếm hoi được vua sủng ái, thậm chí còn hơn mức sủng ái để được vua coi như tri kỷ của mình.
Không chỉ tài sắc vẹn toàn, bà còn là người hiền hậu, vẫn giữ được tấm lòng thiện lương cho đến cuối đời.
Nhiều người cho rằng, sở dĩ Thập ngũ Hoàng tử Vĩnh Diễm được vua Càn Long chọn làm Hoàng đế kế nhiệm cũng một phần vì tình cảm sâu sắc mà ông dành cho bà.
Năm Càn Long thứ 40, Hoàng Quý phi Ngụy thị qua đời, hưởng thọ 47 tuổi. Càn Long Đế vì thương tiếc nên đã ngừng triều 5 ngày để tang, ban cho bà thụy hiệu Lệnh ý Hoàng quý phi, ngoài ra còn viết một bài thơ mang tên “Lệnh ý Hoàng quý phi vãn thi” để tưởng nhớ.
Không chỉ vậy, bà là người thứ 5 và cũng là người cuối cùng được hợp táng với Càn Long Đế tại địa cung.
Quan tài của bà nằm ngay bên phải đế quan của Càn Long, trọn đời trọn kiếp được ở cạnh vị Hoàng đế tri âm tri kỷ của mình.