Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Làm việc tới chết: Đến bao giờ người Nhật mới thức tỉnh?

Làm việc quá sức ở Nhật Bản vẫn là vấn đề đáng báo động, khi nhiều trường hợp tìm đến cái chết do stress công việc và làm quá nhiều vẫn xảy ra.

Làm việc quá sức dường như đã trở thành “văn hoá” ở môi trường công sở Nhật Bản. Ảnh minh hoạ: Guardian

Miwa Sado là phóng viên đài truyền hình NHK tại Tokyo, Nhật Bản. Truyền thông Nhật đưa tin cô đột ngột qua đời vì một cơn đau tim hồi tháng 7/2013. Nguyên nhân cái chết được cho là cô làm việc quá sức, với số lượng làm thêm giờ trong tháng lên đến 159 giờ.

Cái chết của Sado được gọi là “karoshi”, hay làm việc đến chết, một cụm từ để nói đến những trường hợp qua đời vì làm việc quá sức. Trường hợp của Sado chỉ được chú ý sau khi một đồng nghiệp của cô lên tiếng.

Theo Guardian, cái chết của Sado được cho là sẽ gây áp lực tới chính phủ, yêu cầu họ phải xem xét lại các trường hợp tử vong ngày càng gia tăng ở Nhật do làm việc quá sức và đưa ra biện pháp xử lý hay hình phạt cụ thể.

Làm việc quá sức là vấn đề nhức nhối tại Nhật Bản, khi áp lực công việc nặng nề đang là nguyên nhân khiến nhiều người tìm đến cái chết. Tính riêng trong năm 2015, cảnh sát Nhật Bản ghi nhận 2.000 trường hợp tự tử, trong đó áp lực công việc thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu.

Tháng 12/2015, Matsuri Takahashi, nhân viên của Dentsu - hãng truyền thông lớn nhất Nhật Bản, gieo mình tự tử từ ký túc xá công ty. Cảnh sát kết luận trường hợp của cô là karoshi. Khi đó, Takahashi mới 24 tuổi.

“Tạm biệt mẹ yêu quý của con. Cuộc sống, công việc, mọi thứ thật đau đớn”, là những dòng trong lời nhắn tuyệt mệnh cô để lại cho mẹ, trước khi ra đi mãi mãi.

Vài tháng trước khi tự tử, Takahashi đã làm thêm đến 100 giờ. Trước khi qua đời, cô để lại những dòng sầu muộn trên trang cá nhân: “Tôi muốn chết. Tôi kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần”.

Trường hợp của cô đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi trên khắp cả nước về thói quen làm việc và thúc giục Thủ tướng Shinzo Abe tạo dựng văn hoá làm việc mới, quy định thời gian làm việc hợp lý để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trên thực tế, không có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả công việc tỷ lệ thuận với thời gian làm việc quá dài.

Theo đó, chính phủ Nhật Bản đưa ra dự luật cấm người lao động làm thêm giờ quá 100 giờ mỗi tháng, đồng thời có chế tài xử phạt với những công ty để nhân viên làm việc quá thời gian quy định.

Tuy nhiên, thực tế vẫn rất khắc nghiệt. Trong báo cáo của chính phủ về tình trạng karoshi năm 2016 cứ 5 người thì có 1 người có nguy cơ tử vong vì làm việc quá nhiều. Hơn 2.000 người đã tự tử vì căng thẳng công việc, theo số liệu đến tháng 3/2016. Hàng chục nạn nhân khác qua đời vì đau tim, đột quỵ hay các vấn đề khác do dành quá nhiều thời gian ở nơi làm việc.

Theo khảo sát giai đoạn 12/2015-1/2016, 22,7% công ty nói rằng nhân viên của họ làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng. Đây là mức đáng báo động vì có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Theo kết quả nghiên cứu, lao động Nhật Bản làm việc nhiều hơn so với lao động các nước như Mỹ, Anh và một số quốc gia phát triển. Trung bình, người Nhật chỉ dùng 8,8 ngày nghỉ mỗi năm, chưa đến một nửa số ngày nghỉ phép, theo số liệu Bộ Y tế năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hong Kong và Singapore là 100% và 78%.

Sado là phóng viên mảng chính trị, từng đưa tin về cuộc bỏ phiếu bầu cử Thượng viện diễn ra hồi tháng 6-7 năm 2013. Cô qua đời chỉ ba ngày sau cuộc bầu cử kết thúc.

Masahiko Yamauchi, đồng nghiệp tại NHK, nói rằng phải ba năm sau cô mới dám lên tiếng về trường hợp của Sado vì tôn trọng gia đình của người đã khuất.

Nỗi đau với gia đình Sado vẫn chưa nguôi ngoai: “Đến nay dù, đã 4 năm trôi qua, chúng tôi vẫn không thể chấp nhận thực tế rằng con mình đã chết. Chúng tôi hy vọng sự đau đớn của gia đình chúng tôi sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm