Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Không phải Jeff Bezos, ai mới là người giàu có nhất mọi thời đại?

Jeff Bezos hiện là người giàu nhất thế giới, theo danh sách tỷ phú năm 2019 do Forbes công bố tuần trước. Với khối tài sản ước tính lên tới 131 tỷ USD, Bezos là người đàn ông giàu có nhất lịch sử hiện đại. Thế nhưng ông chủ Amazon lại không phải là người giàu có nhất mọi thời đại.

Quốc vương Mansa Musa của đế quốc Mali giàu có ở Tây Phi.

Danh hiệu người giàu có nhất mọi thời đại thuộc về Mansa Musa, vị vua Tây Phi trong thế kỷ 14, người rất giàu có khi nắm trong tay toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Rudolph Butch Ware, phó giáo sư về lịch sử tại Đại học California, nói: “Những tính toán ngày nay về sự giàu có của Musa rất khó để thấy rõ được ông ta thực sự giàu và quyền lực như thế nào”.

Mansa Musa “giàu có hơn bất kỳ ai mà chúng ta biết”, Jacob Davidson mô tả về vị vua châu Phi trên Money.com vào năm 2015.

Năm 2012, trang web nổi tiếng của Mỹ Net Net Worth ước tính tài sản của Musa ở mức 400 tỷ USD nhưng các nhà sử học kinh tế đồng nhất quan điểm rằng sự giàu có của ông vua này là “không thể xác định được”.

Vua vàng

Mansa Musa sinh năm 1280 trong một gia đình quyền thế. Anh trai của ông, Mansa Abu-Bakr, cai trị đế quốc Mali cho đến năm 1312, trước khi thoái vị để dành thời gian cho việc thám hiểm.

Theo nhà sử học người Syria thế kỷ 14 Shibab al-Umari, Abu-Bakr ưa khám phá và bị hấp dẫn trước Đại Tây Dương cùng những nơi xa xôi hơn thế. Ông bắt tay vào cuộc thám hiểm với hạm đội gồm 2.000 tàu, hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và nô lệ. Họ dùng thuyền đi thám hiểm và không bao giờ quay trở lại.

Một số chuyên gia như nhà sử học Mỹ quá cố Ivan Van Sertima cho rằng, Abu-Bakr cùng đoàn tùy tùng của ông đã tới Nam Mỹ nhưng không có bằng chứng về điều này.

Dù thế nào đi nữa, cuối cùng Mansa Musa được thừa hưởng vương quốc mà anh trai để lại.

Dưới sự cai trị của Mansa Musa, vương quốc Mali phát triển đáng kể. Ông sáp nhập 24 thành phố, bao gồm Timbuktu.

Vương quốc trải dài khoảng 2.000 dặm (khoảng 3.200 km), từ Đại Tây Dương cho tới Niger ngày nay cùng với Senegal, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Gambia, Guinea-Bissau, Guinea và Bờ Biển Ngà.

Một vùng đất rộng lớn như vậy đi kèm với nguồn tài nguyên phong phú như vàng và muối. Trong triều đại của Mansa Musa, đế quốc Mali chiếm gần một nửa số vàng của cả thế giới khi đó, theo Bảo tàng Anh.

Tất cả đều thuộc về nhà vua

“Là người cai trị, Mansa Musa có quyền tiếp cận gần như vô hạn vào nguồn của cải có giá trị cao nhất trong thế giới thời trung cổ”, Kathleen Bickford Berzock, chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật châu Phi tại Bảo tàng nghệ thuật Block tại Đại học Tây Bắc (Mỹ), nói với BBC.

“Các trung tâm thương mại lớn buôn bán vàng và các hàng hóa khác cũng nằm trong lãnh thổ của ông ấy và ông ấy giàu lên nhờ những giao dịch như vậy“, bà Kathleen nói thêm.

Hành trình đến thánh địa Mecca

Mặc dù Mali là nơi có rất nhiều vàng, nhưng vương quốc này không được biết đến nhiều.
Điều này đã thay đổi khi Mansa Musa cải sang đạo Hồi và quyết định hành hương tới Mecca, qua sa mạc Sahara và Ai Cập. Nhà vua đã rời khỏi Mali với một đoàn lữ hành gồm 60.000 người.

Ông đem theo toàn bộ thành viên trong triều, gồm binh lính, những nhạc sĩ rong (hát để giải trí), thương nhân, người điều khiển lạc đà và 12.000 nô lệ cùng đoàn dê và cừu để làm thức ăn.

Đó là “một thành phố di động” qua sa mạc. “Thành phố” đó có cư dân, những con đường được bọc bằng thổ cẩm và lụa Ba Tư tốt nhất. Một trăm con lạc đà được kéo đi, mỗi con lạc đà mang hàng trăm kg vàng nguyên chất. Đó là một cảnh tượng đáng chú ý. Và cảnh tượng ấy còn trở nên sang trọng hơn khi đoàn lữ hành tới Cairo, nơi họ thực sự “có đất” thể hiện sự giàu có.

Mansa Musa đem theo đoàn tùy tùng hùng hậu khi hành hương tới Mecca.

Mansa Musa đã để lại ấn tượng đáng nhớ như vậy đối với người dân ở Cairo. al-Umari, người đã đến thăm thành phố 12 năm sau khi vua Malian tới đây, kể lại rằng người dân Cairo đã nói về ông ấy nhiều như thế nào.

Mansa Musa đã để lại vàng ở Cairo khiến giá vàng khu vực này giảm mạnh trong 10 năm, phá hủy nền kinh tế. Công ty công nghệ SmartAsset.com có ​​trụ sở tại Mỹ ước tính vàng mất giá sau cuộc hành hương của Mansa Musa đã gây thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế trên khắp Trung Đông.

Trên đường trở về nhà, Mansa Musa đã đi qua Ai Cập một lần nữa. Theo một số người, ông đã gắng sửa sai, giúp phục hưng nền kinh tế đất nước bằng cách mua lại vàng. Nhưng cũng có thông tin rằng ông đã tiêu nhiều tới nỗi hết cả số vàng mang theo.

Không nghi ngờ gì khi nói Mansa Musa đã chi tiêu, hoặc lãng phí, rất nhiều vàng trong chuyến hành hương tới Mecca. Nhưng chính sự hào phóng quá mức ấy đã khiến cả thế giới chú ý tới vương quốc Mali của ông.

Bị quên lãng

Chuyến đi tới Mecca đưa đế chế Mali và Mansa Musa xuất hiện trên bản đồ và được thế giới biết đến.

Mansa Musa đã đưa Mali và chính mình lên bản đồ, theo đúng nghĩa đen. Bản đồ Catalan Atlas năm 1375 có một bức vẽ về một vị vua châu Phi ngồi trên ngai vàng trên đỉnh Timbuktu, cầm một miếng vàng trên tay.

Mansa Musa trở về từ Mecca cùng các học giả Hồi giáo, bao gồm các hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed. Vị vua giàu có còn trả cho một nhà thơ, nhà kiến trúc Abu Es Haq es Saheli, 200 kg vàng (tương đương 8,2 triệu USD), vì đã có công xây dựng nhà thờ Djinguereber nổi tiếng.

Ngoài việc khuyến khích nghệ thuật và kiến ​​trúc, Mansa Musa còn tài trợ cho văn học và xây dựng trường học, thư viện và nhà thờ Hồi giáo. Thành cổ Timbuktu sớm trở thành một trung tâm giáo dục và mọi người từ khắp nơi trên thế giới tới đây để theo học tại trường đại học Sankore.

Sau khi Mansa Musa qua đời năm 1337, ở tuổi 57, đế quốc Mali do những người con trai của ông thừa nắm giữ nhưng sớm tan rã.

Vào thế kỷ 19, sự xuất hiện của người châu Âu ở khu vực đánh dấu sự chấm hết cho đế quốc Mali.

“Lịch sử thế giới thời Trung Cổ chủ yếu được biết đến nhờ các sử gia phương Tây”, Lisa Corrin Graziose, giám đốc bảo tàng lịch sử ở Mỹ, giải thích lý do câu chuyện về Mansa Musa không được biết đến rộng rãi. “Nếu người châu Âu đến với số lượng đáng kể vào thời của Musa, với Mali ở đỉnh cao của sức mạnh quân sự và kinh tế thay vì vài trăm năm sau, mọi thứ chắc chắn sẽ khác”, ông Ware nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Bích

Được quan tâm

Tin mới nhất