Vào tuần trước, chị Babita (36 tuổi) đã trải qua ca sinh mổ và hạ sinh được một cậu con trai kháu khỉnh tại Bệnh viện JP ở thành phố Arga thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Chi phí cho ca sinh mổ là 30.000 rupee (khoảng 9,5 triệu đồng) và tiền thuốc men là 5.000 rupee (gần 1,6 triệu đồng).
Tuy nhiên gia đình chị Babita lại vô cùng khó khăn, không có tiền để chi trả cho số tiền đó. Chồng của chị Babita là anh Shiv Charan (45 tuổi, làm nghề kéo xe) kiếm không quá 100 rupee (khoảng 31 nghìn đồng) mỗi ngày. Tuy nhiên, khoản thu nhập ít ỏi này cũng không được cố định.
Gia đình chị Babita có 5 người con, con trai lớn của chị 18 tuổi từng làm công nhân tại một nhà máy giày, nhưng nhà máy đã bị đóng cửa khi dịch COVID-19 bùng phát. Từ khi chị Babita mang thai, không có nhân viên y tế nào đến thăm chị và không ai giúp gia đình chị tìm ra nơi được sinh nở miễn phí. Chính vì vậy, gia đình chị đã rơi vào tình trạng bế tắc khi phải đối mặt với khoản chi phí y tế “khổng lồ”.
Vì vậy, bệnh viện đã “mua” con trai mới lọt lòng của chị Babita với giá 100.000 rupee (hơn 31 triệu đồng), vợ chồng chị Babita nói với Times of India. Tuy nhiên, ông Seema Gupta, giám đốc bệnh viện, nói rằng đứa trẻ được “cho” làm con nuôi chứ không phải là “bán”.
Ngoài ra, ông Seema cũng nói rằng vợ chồng chị Babita đã đồng ý ký giấy. Thế nhưng, vợ chồng chị Babita hiện tại muốn nhận lại con. Bệnh viện cũng tuyên bố rằng các thủ tục giấy tờ đã hoàn thành, nhưng chị Babita và chồng đều không thể đọc hoặc viết nên giấy tờ đều được đóng dấu ngón tay cái.
Thẩm phán quận Prahbu N Singh cho biết, vụ 'mua bán' này sẽ tiếp tục được điều tra. Nhiều người tin rằng, một số trẻ sơ sinh được đưa vào bệnh viện chăm sóc sau này sẽ 'bán' cho các cặp vợ chồng muốn nhận con nuôi.