Theo Washington Post, chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi thường xếp vào hàng tồi tệ nhất thế giới. Đỉnh điểm là vài ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí PM 2.5 đo được tại thủ đô ở mức 969, cao gấp 30 lần giới hạnTổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Không khí ô nhiễm tới mức giới chức so sánh độ nguy hại khi hít thở trong bầu không khí này tương đương với hút 44 điếu thuốc mỗi ngày.
Khói bụi dày đặc khiến tình hình giao thông bị tắc nghẽn, cản trở. Hàng loạt chuyến bay phải hoãn và hủy.
Người dân đi ra đường đều mặc quấn khăn kín mít chỉ trừ hai con mắt để nhìn đường. Tuy nhiên, khói bụi dày đặc này khiến họ cũng khá khó khăn để tìm được đường.
Khói bụi, sương mù dày đặc che phủ hết các căn hộ chung cư cao tầng.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng như vậy, số lượng người dân Delhi tới thăm khám tại các bệnh viện cũng tăng vọt. Tuy nhiên, những người bệnh đều gặp phải các triệu chứng như tức ngực, khó thở, đau mắt…
Hiện nay, giới chức Delhi phải đóng cửa tất cả trường học, tạm dừng các công trình xây dựng dân dụng và phát lệnh cấm xe tải lưu thông trong thành phố. Bên cạnh đó, họ cũng lên kế hoạch sử dụng xe chữa cháy để phun nước, nhằm giảm ô nhiễm do khói bụi độc hại bao phủ.
Không chỉ vậy, giới chức còn tăng phí đỗ xe gấp 4 lần để khuyến khích người dân không đi xe riêng mà sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Đeo một chiếc khẩu trang là chưa đủ, người đàn ông này còn phải lấy một chiếc khăn mùi xoa buộc từ mũi vòng qua cổ và tay cầm thêm một chiếc khăn mặt gấp làm đôi để che mũi, tránh hít phải khói bụi.
Dù sáng hay chiều, công viên tại thủ đô Delhi vẫn luôn bị sương mù bao phủ, vẫn không thể thoát khỏi “phòng khí độc”.
Mặc dù là ban ngày nhưng ô tô, xe máy đều phải bật đèn khi di chuyển.
Người ta đi tập thể dục tại công viên để hít thở không khí trong lành, còn người đàn ông này đi tập thể dục thì vừa đi vừa cầm khăn bịt mũi.
Dù già trẻ gái trai, tất cả mọi người đi ra đường đều không thể quên mang theo khăn hoặc đeo những chiếc khẩu trang thật dày.
Sương mù, khói bụi khiến ai ai cũng khó nhận ra nhà cửa hay người trong bán kính khoảng 200m.
Theo giới quan chức, do nông dân tại một số bang lân cận với Delhi thường đốt nương rẫy sau mỗi vụ mùa nên mới làm tăng lượng khói bụi trong thủ đô.
Ngoài ra, ô nhiễm từ các công trình xây dựng và phương tiện giao thông cũng góp phần khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng.