Những lo ngại về khủng khoảng sức khỏe cộng đồng xuất hiện tại các điểm tạm trú ở Indonesia sau khi ít nhất 429 người chết, 1.485 người bị thương và hàng nghìn người mất nhà cửa do trận sóng thần hôm 22/12 tại eo biển Sunda, AFPđưa tin.
“Rất nhiều trẻ em bị sốt, đau đầu và không có đủ nước sinh hoạt”, Rizal Alimin, bác sĩ của tổ chức phi chính phủ Aksi Cepat Tanggap, cho biết. “Chúng tôi có ít thuốc hơn bình thường. Điều kiện sống cũng không lành mạnh khi không có đủ nước sạch. Mọi người đang phải ngủ trên sàn và cần thực phẩm”.
Hoạt động của núi lửa Anak Krakatau gây ra vụ sạt lở ngầm dưới biển, dẫn tới trận sóng thần với những đợt sóng cao 3 m ập đến trong đêm mà không có cảnh báo, khiến các bãi biển phía nam đảo Sumatra và phía tây đảo Java chịu ảnh hưởng nặng nề.
Các chuyên gia cảnh báo những đợt sóng nguy hiểm hơn có thể tiếp tục tràn vào khu vực này. Nhiều người trong số hơn 5.000 dân sơ tán cho biết họ sợ thảm họa lại xảy ra nên không dám về nhà. “Tôi đã ở đây ba ngày. Tôi thấy sợ hãi bởi nhà mình ngay cạnh bờ biển”, người phụ nữ 40 tuổi tên Neng Sumarni chia sẻ.
Abu Salim, thành viên nhóm tình nguyện Tagana, cho biết các nhân viên cứu trợ đang nỗ lực để ổn định tình hình. “Chúng tôi đang tập trung giúp đỡ những người sơ tán tại các điểm tạm trú bằng cách dựng nhà bếp công cộng, phân phối hậu cần và sắp xếp thêm lều ở nơi thích hợp. Tuy nhiên, nhiều người trú ẩn ở những vùng cao hơn và chúng tôi chưa thể tiếp cận với họ”, Salim nói.
Trong khi đó, các đội cứu hộ đang cố gắng tìm thi thể nạn nhân và hy vọng phát hiện thêm nhiều người sống sót, đồng thời sử dụng thiết bị không người lái để khảo sát khu vực bờ biển bị tàn phá. “Chúng tôi đang tìm kiếm những nạn nhân có thể vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát”, Ketut Sukarta, người đứng đầu cơ quan xử lý thiên tai khu vực Nam Lampung trên đảo Sumatra, cho biết
Trận sóng thần hôm 22/12 là lần thứ ba trong vòng 6 tháng Indonesia phải hứng chịu thảm họa tự nhiên nghiêm trọng, sau loạt động đất trên đảo Lombok hồi cuối tháng 7 - đầu tháng 8 và trận động đất kết hợp sóng thần vào tháng 9 trên đảo Sulawesi khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Do nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm, Indonesia là một trong những nước gặp nhiều thiên tai nhất thế giới.