Trong lần vi phạm đầu tiên, tài xế ở Ba Lan có nồng độ cồn từ 20 - 50 mg/100 ml máu sẽ bị tịch thu bằng lái, nộp phạt tối thiểu 1635 USD, đồng thời tham gia khóa giáo dục tư tưởng của chính phủ. Nếu trên mức 50 mg/100 ml, họ sẽ bị xem là tội phạm, lưu trữ thông tin trong hồ sơ tội phạm quốc gia, tịch thu bằng lái và có thể bị tù giam.
Tại Costa Rica, El Salvador và Pháp, tài xế sẽ phải nộp phạt, treo bằng lái và thậm chí ngồi tù nếu phạm phải điều luật này. Tại El Salvador, bất cứ ai có nồng độ cồn trong máu trên 0,01% sẽ tự động bị treo bằng lái và tịch thu phương tiện giao thông. Ở Pháp, tài xế phạm luật phải giao xe cho cảnh sát, tịch thu bằng lái 3 năm, phạt 1.000 USD và có khả năng ngồi tù 1 năm.
Hình phạt ở Nam Phi lại còn hà khắc hơn gấp nhiều lần. Nếu bị phát hiện vi phạm, tài xế sẽ chịu 10 năm tù giam, nộp phạt 10.000 USD, hoặc xui xẻo hơn là lĩnh cả hai hình phạt cùng một lúc.
Giới hạn nồng độ rượu trong máu ở Australia là 0,05%. Tài xế có nồng độ vượt mức cho phép sẽ bị treo bằng lái trong 6 tháng nếu vi phạm lần đầu. Lần sau gặp lại cảnh sát, họ sẽ mất bằng lái vĩnh viễn. Trong khi đó, tại Phần Lan, tài xế say rượu lái xe sẽ phải đối mặt với án 2 năm tù giam.
Tài xế Nga phạm lỗi uống rượu lái xe sẽ bị treo bằng 2 năm, dù đó có là lần đầu tiên họ vi phạm. Hành vi cố ý để người say rượu cầm lái cũng sẽ khiến bằng lái của họ bị tịch thu. Ở Thụy Điển, nồng độ rượu trong máu quá 0,02% đồng nghĩa với việc tài xế phải chia tay với xế yêu của mình, rút tiền nộp phạt và tham gia chương trình giáo dục tư tưởng để tránh tái phạm hành vi nguy hiểm này.
Chính sách phạt của nước Mỹ có sự khác biệt nhất định giữa các tiểu bang. Tại bang Arizona, tài xế mắc lỗi lần đầu sẽ bị giam 10 ngày, nộp 250 USD tiền phạt. Song, khi ở New York, họ có thể phải ngồi tù 1 năm ròng. Đối với luật pháp nước Anh, tài xế vi phạm sẽ bị phạt từ 6 tháng tù giam, nộp phạt 6.500 USD và cấm lái xe trong vòng 1 năm.
Người Nhật Bản rất nghiêm khắc đối với vấn đề uống rượu lái xe. Chỉ cần uống một ly bia, tài xế sẽ mất hơn 4.600 USD tiền phạt, đồng thời thụ án tù 3 năm. Nếu bị phát hiện điều khiển xe trong tình trạng say rượu, mức án này sẽ tăng gấp nhiều lần, lên mức 5 năm tù giam và 9.300 USD.
Không chỉ vậy, hành khách ngồi trên xe của tài xế say xỉn cũng sẽ bị phạt theo. Chính sách này khiến nhiều người liên tưởng đến quy định của Malaysia, nơi vợ/chồng của người vi phạm cũng phải lĩnh án phạt chung với bạn đời, dù đôi khi chuyện chẳng can hệ gì đến họ.
Lần đầu phạm luật lái xe trong lúc say rượu ở Singapore, tài xế sẽ bị phạt 1.500 - 7.400 USD, đồng thời chịu án tù tối đa 1 năm. Nếu tiếp tục tái phạm, mức án có thể tăng lên thành 3.700 - 18.400 USD và lên đến 2 năm tù. Tài xế cũng có nguy cơ bị tước bằng lái 2 năm (hoặc từ 5 năm trở lên nếu thường xuyên tái phạm). Thời gian bị tịch thu bằng lái sẽ càng kéo dài, thậm chí vô thời hạn, nếu người điều khiển phương tiện phạm phải lỗi lái xe bất cẩn, gia tăng nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng.