Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

'Hình mẫu' tiêm chủng Israel đứng trước phép thử Delta

Người Lao Động Theo dõi Saostar trên google news

Giới chuyên gia y tế nhiều nước đang cân nhắc khả năng tiêm liều tăng cường trong bối cảnh Israel, một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, chứng kiến các ca mắc Covid-19 tăng vọt.

Israel hôm 20-8 ghi nhận hơn 2.200 ca mắc mới, nâng tổng ca mắc nước này lên hơn 975.000 trong khi số ca tử vong do dịch Covid-19 lên đến 6.759. Theo hãng tin Reuters, khoảng 1/2 trong số 600 ca bệnh nặng nhập viện đều đã được tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer.

Phần lớn những bệnh nhân này đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin trong ít nhất 5 tháng, trên 60 tuổi và mắc các bệnh mãn tính được cho là khiến tình trạng bệnh diễn biến xấu, như bệnh tiểu đường, tim, phổi, ung thư và các bệnh nhiễm trùng.

"Hình mẫu" tiêm chủng Israel đứng trước phép thử Delta Ảnh 1
Thủ tướng Israel Naftali Bennett tiêm liều vắc-xin thứ 3 ở TP Kfar Saba - Israel hôm 20-8 Ảnh: Reuters

Đây là những căn bệnh đòi hỏi phải được điều trị bằng thuốc ức chế hệ miễn dịch. Bác sĩ Noa Eliakim-Raz, Trưởng khoa về Covid-19 tại Trung tâm Y tế Rabin (Israel), cho rằng những bệnh nhân đã tiêm phòng là người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu trước khi mắc Covid-19 trong khi những bệnh nhân nhập viện chưa tiêm vắc-xin là những đối tượng trẻ, khỏe mạnh nhưng sức khỏe suy giảm nhanh chóng khi nhiễm bệnh và cần phải hỗ trợ thở ôxy.

Đáng chú ý, Bộ Y tế Israel đang điều tra 10 ca mắc Covid-19 nhiễm chủng AY.3 của biến thể Delta, hay còn gọi là Delta Plus. Trong số 10 ca nhiễm chủng AY.3 của Israel được xác định hôm 19-8 có 8 ca nhập cảnh và 2 ca địa phương.

Nghiên cứu cho thấy biến thể Delta Plus có khả năng kháng vắc-xin và "tránh né" hệ thống miễn dịch tốt hơn các biến thể cũ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu và cao hơn 60% so với chủng Alpha. Chủng AY.3 chiếm khoảng 15% ca nhiễm ở Mỹ và đã được phát hiện ở ít nhất 61 quốc gia.

Những ca nhiễm sau tiêm tại Israel đang trở thành tâm điểm cuộc tranh luận toàn cầu về việc liệu các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao có nên tiêm liều thứ 3 hay không và nếu có thì nên tiêm phòng cho đối tượng nào. Israel đã bắt đầu tiêm liều bổ sung cho những người từ 60 tuổi trở lên hồi tháng 7 và mở rộng áp dụng cho nhiều đối tượng khác gồm người trên 40 tuổi và giáo viên.

Đến nay, hơn 1 triệu trong số 9,3 triệu dân ở Israel đã được tiêm liều thứ 3. Mỹ hôm 18-8 cũng cho biết sẽ tiêm liều thứ 3 cho tất cả người dân Mỹ đủ điều kiện tiêm phòng từ tháng 9 tới. Các quốc gia khác, gồm Pháp và Đức, cho đến nay đã giới hạn kế hoạch tiêm bổ sung cho người cao tuổi và người có hệ miễn dịch kém.

Bộ Y tế Israel đã đưa ra báo cáo trong tuần này cho thấy hiệu quả ngừa Covid-19 của vắc-xin Pfizer - BioNTech dường như đã giảm từ hơn 90% xuống còn 55% ở những người từ trên 65 tuổi được tiêm liều thứ hai hồi tháng 1.

Các quan chức y tế ở Anh và Mỹ, 2 quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao và tỉ lệ ca mắc biến thể Delta tăng đột biến, cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Ở Anh, khoảng 35% số người nhập viện mắc biến thể Delta trong những tuần gần đây đã được tiêm 2 liều vắc-xin. Theo hãng tin Reuters, gần 3/4 số ca nhiễm sau tiêm ở Mỹ phải nhập viện hoặc tử vong là ở những người từ 65 tuổi trở lên.

Chính phủ Mỹ thông báo sẽ tiêm liều bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin của hãng Pfizer-BioNTech và Moderna tối thiểu 8 tháng trước đó. Các quan chức Mỹ cho biết kế hoạch tiêm bổ sung dựa trên lo ngại rằng theo thời gian, vắc-xin sẽ giảm khả năng phòng ngừa trước các biến thể gây bệnh nặng, kể cả những người trẻ tuổi. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhiều lần kêu gọi các nước giàu không tiêm liều bổ sung khi phần lớn thế giới vẫn chưa thể tiếp cận được liều đầu tiên.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Người Lao Động

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất