Nhà thờ Đức Bà ở Paris (Pháp) có thể được tái xây dựng với thiết kế kính kiểu hiện đại, năng lượng mặt trời, và một nông trại đô thị để hỗ trợ người nghèo và vô gia cư ở thủ đô - nếu tầm nhìn của một kiến trúc sư được thực hiện.
Vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Pháp Edouard Phillipe vừa công bố một cuộc thi quốc tế cho những kiến trúc sư muốn tái thiết kế đỉnh chóp được xây dựng từ thế kỉ 19 của Nhà thờ, sau khi nó sụp xuống bởi ngọn lửa đã hủy hoại một phần lớn của kiệt tác Gothic 850 năm tuổi.
Công ty kiến trúc ở Paris Vincent Callebaut Architectures đã phản hồi với một phương án thiết kế tiên tiến và thân thiện với môi trường. Thiết kế này sẽ hỗ trợ người dân địa phương và sản sinh nhiều năng lượng hơn nó tiêu thụ.
Dự án của Vincent Callebaut mang tên “Palingenesis”, một khái niệm tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa của sự tái thiết hoặc hồi sinh. Công ty này đề xuất làm mái nhà thờ mới bằng kính, gỗ sồi và sợi cacbon. Mái này sẽ được làm cong lên trực tiếp thành đỉnh tháp, nghĩa là mái và đỉnh tháp sẽ thông nhau.
Con gà trống đặt trên đỉnh tháp gốc, được tìm thấy trong đống đổ nát, sẽ được đặt lại trên đỉnh tháp mới bằng kính, trong khi ca đoàn của nhà thờ sẽ được “ngập tràn trong ánh sáng tự nhiên”.
Dưới đỉnh tháp, ở tầng mái của nhà thờ sẽ là một nông trại rau và trái cây, vận hành bởi tình nguyện viên và các tổ chức từ thiện để sản xuất thực phẩm miễn phí cho người nghèo địa phương. “Khoảng 21 tấn rau và hoa quả có thể được thu hoạch và phân phát miễn phí mỗi năm”, công ty thiết kế này cho biết trong buổi ra mắt báo chí. “Ngoài ra, một buổi họp chợ nông sản sẽ được tổ chức hàng tuần ở sân trước của Nhà thờ.”
Mái và đỉnh chóp của nhà thờ cũng sẽ sản xuất điện, nhiệt và điều hòa không khí cho nhà thờ: “một lớp hữu cơ hoạt tính” đặt trong kính sẽ sản sinh điện từ năng lượng mặt trời, trong khi những chiếc “vảy” có hình dạng kim cương sẽ được mở ra để thông khí tự nhiên - một thiết kế được lấy cảm hứng từ loài mối. Đỉnh chóp cũng sẽ đóng vai trò của một không gian giữ nhiệt nơi khí nóng sẽ được tích tụ lại vào mùa đông.
“Làm sao để chúng ta viết nên lịch sử đương đại của đất nước, nhưng đồng thời cả khoa học, nghệ thuật và tôn giáo cùng một lúc?”, công ty này cho biết trong buổi họp báo. “Chúng tôi muốn trình bày một dự án siêu việt, một biểu tượng của ý chí quật cường và một tương lai sinh thái bền vững”.
Nếu thiết kế của Vincent Callebaut được chọn, công ty này cho rằng sự tái sinh của Nhà thờ Đức Bà sẽ định nghĩa cho một “bộ mặt mới của Tòa thánh Công giáo trong thế kỉ 21”, thể hiện một “mối quan hệ cộng sinh công bằng hơn giữa con người và thiên nhiên”.