Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Cựu CEO Starbucks: Từ kẻ nhặt rác, phải bán máu kiếm tiền tới tỷ phú cà phê

Business Insider Theo dõi Saostar trên google news

Những tỷ phú trên thế giới hầu như đều có một khởi đầu rất khó khăn và Howard Schultz, người đứng sau thương hiệu Starbucks thành công cũng không phải ngoại lệ. Trước khi trở thành tỷ phú, ông đã từng phải đi nhặt rác để kiếm sống qua ngày.

Howard Schultz sinh năm 1953 trong một gia đình gốc Do Thái, ông lớn lên ở khu phố Brooklyn, New York, có mẹ là Elaine (Lederman) và cha Fred Schultz, là cựu chiến binh Lục quân Mỹ, sau đó là tài xế xe tải.

Ông từng nói chưa bao giờ mơ tưởng tới việc sẽ kinh doanh chứ đừng nói đến việc điều hành một chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng toàn cầu có giá trị ròng ước tính lên đến 3 tỷ đô.

Từ cuộc sống con nhà nghèo…

Schultz viết trong cuốn sách “Dốc hết trái tim” - Pour Your Heart Into It kể rằng ông lớn lên trong một gia đình tầng lớp lao động gốc Do Thái ở Canarise, Brooklyn. Trước khi trở thành một nhân viên lễ tân, bà Elaine dành toàn bộ thời gian của mình ở nhà chăm sóc anh em Schultz, còn ông Fred, người trụ cột trong gia đình, lại bươn trải với đủ mọi ngành nghề từ lái xe tải, công nhân nhà máy cho đến lái xe taxi.

Năm 1961, khi Schultz lên 7, ông Fred gặp tai nạn, bị vỡ mắt cá chân khi đang là tài xế xe tải và giao tã bỉm. Khó khăn thay, bố của Schultz không nhận được khoản bồi thường nào dành cho công nhân vì ông không có hợp đồng lao động hay bất kỳ khoản bảo hiểm y tế nào, bị tai nạn lúc này, chẳng khác nào đường cùng với gia đình Schultz. Và dĩ nhiên, sau biến cố ấy, gia đình ông không có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Cựu CEO Starbucks vẫn nhớ hình ảnh người cha nằm tuyệt vọng trên ghế với băng nẹp vì tại nạn tại nơi làm việc. Ông kể lại quãng thời gian đó: “Năm lên 7, tôi đã có một trải nghiệm đau thương trong cuộc đời mình. Tôi nhìn thấy giấc mơ của mình tan vỡ và cha mẹ tôi hoàn toàn tuyệt vọng… Điều đó vẫn ám ảnh tôi đến ngày hôm nay”.

Vài năm sau đó ông Fred qua đời, tình hình kinh tế gia đình ngày càng trở nên khó khăn. Mặc dù thế, bà Elaine vẫn luôn khuyến khích các con học hành đến nơi đến chốn để không đi theo vết xe đổ của bố mẹ. Ngoài thời gian làm việc phụ giúp mẹ, Schultz vẫn học hành tử tế, ông thậm chí giành được một suất học bổng thể thao của Đại học Northern Michigan, trở thành người đầu tiên tốt nghiệp đại học trong nhà.

Thế nhưng khi lên đại học, ông lại quyết định không chơi thể thao mà dành thời gian để đi làm thêm, Schultz làm nhiều công việc vặt trong trường như nhân viên pha chế, thậm chí ông còn đi bán máu để có tiền lo cho việc học.

Sau khi tốt nghiệp, Schultz có một công việc thuộc chương trình đào tạo bán hàng tại Xerox. Vài năm sau đó, ông làm việc tại Hammarplast, một doanh nghiệp đồ gia dụng thuộc sở hữu của một công ty Thụy Điển tên là Perstorp. Ở công ty này, Schultz đã vươn lên vị trí phó chủ tịch và tổng giám đốc, lãnh đạo một nhóm nhân viên bán hàng cấp dưới.

Dù có chút thành công đầu đời, nhưng ông vẫn luôn đau đáu trong lòng, tự hỏi rằng “mình sẽ làm gì tiếp”.

Đến cơ hội đổi đời với Starbucks

Lần đầu tiên Schultz gặp Starbucks khi ông làm việc tại Hammarplast. Khi đó nhãn hàng này có 4 cửa hàng cà phê ở Seattle và thu hút sự chú ý của Schultz khi đặt hàng một số lượng lớn máy pha cà phê nhỏ giọt.

Bị hấp dẫn bởi điều này, ông liền tìm đến gặp mặt hai người đồng sáng lập Starbucks lúc này là Gerald Baldwin và Gordon Bowker. Niềm đam mê của họ cùng sự dũng cảm khi kinh doanh một sản phẩm dành cho người sành cà phê đã thôi thúc Schultz gia nhập thương hiệu cà phê này.

Gia nhập Starbucks đồng nghĩa với việc phải di chuyển khắp nơi, lương thấp hơn và đặc biệt là gặp phải phản đối từ gia đình nhưng Schultz chắc chắn rằng đây là nước đi đúng đắn. Ông đã mất một năm để thuyết phục Baldwin thuê ông về làm giám đốc marketing.

Cuộc đời Howard Schultz và số phận Starbucks thay đổi mãi mãi trong một lần ông được cử đến Ý. Tại đây, Schultz phát hiện người dân ưa chuộng món Espresso. Các chủ cửa hàng cà phê biết tên khách hàng của mình và thường phục vụ những loại đồ uống như Espresso hay Cappuccino.

“Đó là trực giác”, Schultz viết về khoảnh khắc ông nghiệm ra mối liên hệ đặc biệt mà con người có thể có với cà phê. Ông tin rằng Starbucks cũng nên phục vụ những món đồ uống này, tuy nhiên Baldwin và Bowker không đồng ý với vị giám đốc marketing. Khi quan điểm trở nên bất đồng thì không còn lí do gì để đôi bên cùng hợp tác nữa, năm 1985, Schultz quyết tâm rời Starbucks, lập ra công ty Il Giornale để theo đuổi triết lý cà phê của mình.

Mất 2 năm để Il Giornale xây đựng được văn hóa cà phê mà Schultz ao ước, và năm 1987, ông quay lại mua đứt thương hiệu Starbucks, trở thành CEO của tập đoàn, lúc này đã có 17 cửa hàng. Starbucks được mọi người đón nhận bởi sự tự nhiên độc đáo trong tất cả mọi thứ, từ kích thước ly đến cả sự liên kết của văn hóa cà phê, đặc biệt là thức uống cà phê Ý đã truyền cảm hứng cho Schultz.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ưu tiên hàng đầu của vị CEO này là sức khỏe, chế độ của nhân viên, một phần cũng là vì ám ảnh về người cha ra đi chỉ bởi không có một khoản trợ cấp nào. Kể cả nhân viên bán thời gian của Starbucks cũng được ông mua bảo hiểm lao động đầy đủ, đảm bảo mọi điều kiện phúc lợi lao động. Howard Schultz đã từng chấp nhận đóng cửa 7.100 cửa hàng (năm 2008) để đào tạo lại nhân viên pha chế để đạt được thức uống Espresso hoàn hảo nhất.

Starbucks đã thực sự thành công nhờ những bước đi đầu vững chắc và bài bản do Howard Schultz đặt ra. Ngày nay, thương hiệu cà phê nổi tiếng này đã có mặt rộng rãi trên toàn thế giới với độ lớn thị trường trị giá nhiều tỷ đô.

Schultz từng nói: “Khi mọi người đã dừng lại và nghỉ ngơi, tôi vẫn chạy đuổi theo một thứ vô hình mà những người khác không thể thấy”.

Và đúng như thế, tháng 12/2017, ông từ chức CEO Starbucks, và tuyên bố sẽ chuẩn bị để tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Business Insider

Được quan tâm

Tin mới nhất