Hàng xóm của bà Corinne Fesseau, chủ nhân chú gà trống Maurice, đã đồng loạt đệ đơn kiện chú gà trống này vì gáy vang từ sáng sớm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người. Vụ việc gây tiếng vang trên cả nước vì phản ánh mối xung đột giữa người dân địa phương và những du khách chỉ ghé qua mảnh đất này trong kỳ nghỉ.
“Maurice đã thắng kiện, đồng nghĩa với việc các nguyên đơn phải bồi thường cho chủ nhân của nó 1.000 € (hơn 25,5 triệu VND)”, luật sư đại diện cho bà Fesseau, Julien Papineau, nói. Phát biểu trước tòa, Fesseau cho biết bà chưa từng bị hàng xóm phàn nàn vì bất cứ lý do gì trong suốt thời gian sinh sống ở đảo Oleron (Pháp), cho đến khi có một nhóm người nghỉ hưu dọn vào căn nhà cạnh bên.
Nghe hàng xóm mới than phiền vì Maurice đánh thức họ khi mới sáng sớm, bà liền treo màn tối xung quanh chuồng để khiến chú gà cưng tưởng rằng trời chưa sáng. Song, mọi nỗ lực của Fesseau đều thất bại. “Tôi không nói nên lời”, bà chia sẻ. “Đó là chiến thắng chung cho những người có hoàn cảnh giống như tôi. Hy vọng vụ kiện này sẽ tạo tiền lệ để họ tiếp tục giành được công lý”.
Vụ kiện tưởng như nhỏ nhặt này lại khiến cả quốc gia chấn động. Với nỗ lực đứng về phía Maurice, 140.000 người đã cùng nhau ký tên vào bản yêu cầu “Giữ lại Maurice” và in hình chú gà trống này lên áo phông kèm dòng chữ “Let Me Sing” (“Hãy để tôi hát”).
Các chuyên gia cho rằng sự việc lần này đã gióng hồi chuông cảnh báo đối với di sản nông thôn của nước Pháp, bởi có một bộ phận người ngoại quốc và dân thành phố không hề thông cảm và chấp nhận lối sống của người miền quê.
“Những người này kém hòa nhập đến cực độ. Khi sinh sống ở một địa phương nào đó, bạn phải chấp nhận truyền thống của dân bản xứ mới đúng”, Christophe Sueur, thị trưởng tại làng Saint-Pierre-d'Oleron nơi bà Fesseau đang cư trú, nhận xét. Được biết, các nguyên đơn là những nông dân đã nghỉ hưu đến từ vùng Haute-Vienne ở miền trung nước Pháp.
Ở nhiều vùng nông thôn trên đất nước này, có vô số người dân phẫn nộ trước tình trạng dân thành phố đổ xô mua nhà ở quê và phá hoại nếp sống bao đời nay của khu vực. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình “áo vàng” chống chính phủ diễn ra rầm rộ vào tháng 11 năm ngoái.
Bruno Dionis, thị trưởng của một ngôi làng phía tây nam Gajac, đã viết một bức thư ngỏ bày tỏ sự bức xúc của mình trước thực trạng trên và yêu cầu được bảo vệ những nét đẹp truyền thống của làng quê nước Pháp: tiếng chuông nhà thờ, tiếng bò kêu, và con lừa thong thả bước theo chủ nhân. Ông thậm chí còn đề nghị chính phủ đưa những âm thanh trên vào danh sách di sản văn hóa của đất nước.
Maurice và chủ nhân không phải là đối tượng duy nhất bị “vạ lây” trong cuộc chiến này. Tuần qua, một người phụ nữ ở trang trại chăn nuôi vịt vùng Landes cũng bị hàng xóm đâm đơn kiện vì tiếng vịt và ngỗng kêu inh ỏi quanh nhà khiến họ khó chịu. Một lần nữa, người dân lại tổ chức chiến dịch ủng hộ “Vịt Hardy” - tên của đàn vịt được đặt theo tên hồ nước gần đó - và thu hút hơn 5.000 chữ ký.
“Ngày càng có nhiều người dọn về nông thôn, không phải để làm nông mà chỉ sinh sống ở đó thôi”, Jean-Louis Yengue, nhà địa lý học tại Đại học Poitiers nói. “Ai cũng muốn bảo vệ lãnh thổ của mình, nên mới xuất hiện những vụ tranh chấp như thế này”.