Các nhà hoạt động khí hậu mặc quần áo đen leo lên độ cao 2.600 mét so với mực nước biển để tỏ lòng thành kính trước tàn dư cuối cùng của sông băng Pizol ở Glarus Alps, phía đông Thụy Sĩ.
Hơn 80% băng ở dòng sông này đã biến mất kể từ năm 2006, chỉ còn 26.000 m2. Năm 1987, diện tích sông băng Pizol là 320.000 m2 do các nhà khoa học đo vào năm 1987. Con sông này sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thập kỷ tới.
Nhưng nó đã “mất quá nhiều chất đến mức từ góc độ khoa học nó không còn là sông băng nữa”, Alessandra Degiacomi thuộc Hiệp hội bảo vệ khí hậu Thụy Sĩ cho biết.
Dòng sông băng Pizol được tuyên bố là “đã chết” trong một buổi lễ diễn ra hôm 22/9. Sông băng này nằm trong danh sách các dòng sông từ năm 1893 và giờ đây nó là sông đầu tiên bị gạch tên khỏi mạng lưới giám sát sông băng Thụy Sĩ.
“Tôi đã leo lên đây không biết bao nhiêu lần”, Matthias Huss, một chuyên gia về sông băng tại trường đại học ETH Zurich, người đã tham dự “lễ tang” dòng sông băng Pizol, nói và ví điều này giống cái chết của một người bạn tốt.
Việc hàng trăm người tới “đưa tiễn” dòng sông băng Pizol cũng giống một sự kiện tương tự đối với một dòng sông băng tan chảy ở Iceland vào tháng 8.
Hoạt động biến đổi khí hậu đang gia tăng ở Thụy Sĩ, nơi có khoảng 1.500 sông băng. Đầu năm nay, hàng chục người bị bắt sau khi chặn các lối vào ngân hàng Thụy Sĩ khi một số nhà hoạt động cho rằng giới chức ngân hàng có vai trò trong việc tài trợ các dự án năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thụy Sĩ có thể sớm bỏ phiếu về vấn đề khí hậu sau khi các nhà tổ chức của chiến dịch “Sáng kiến sông băng” đã thu thập được 120.000 chữ ký cần thiết để đưa vấn đề này ra bỏ phiếu. “Chúng ta không thể cứu sông băng Pizol nữa”, ông Huss nói. “Nhưng hãy làm tất cả những gì chúng ta có thể để con cháu chúng ta 100 năm nữa có thể thấy một dòng sông băng ở Thụy Sĩ”.