Một vụ tranh chấp tài sản tiền gửi tại thị xã Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã làm dậy sóng dư luận. Bà Tôn, 60 tuổi, một tiểu thương kinh doanh may mặc, bất ngờ phát hiện số tiền tiết kiệm 1 triệu Nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng) của mình tại ngân hàng chỉ còn vỏn vẹn... 1 Nhân dân tệ, tương đương 3.000 đồng.
Năm 2009, bà Tôn gửi khoản tiền tiết kiệm lớn với kế hoạch rút ra khi con trai kết hôn. Nhưng 5 năm sau, khi cần sử dụng số tiền này, bà sững sờ khi ngân hàng thông báo tài khoản chỉ còn vài nghìn đồng.
Bất mãn với cách giải thích mập mờ từ phía ngân hàng, bà Tôn đã nhiều lần yêu cầu kiểm tra nhưng không có kết quả. Không chấp nhận mất trắng số tiền dành dụm cả đời, bà quyết định nhờ cảnh sát can thiệp và đưa vụ việc ra tòa.
Quá trình điều tra kéo dài nhiều năm đã phơi bày một sự thật gây sốc. Nhân vật đứng sau vụ việc là Điền, một cựu nhân viên ngân hàng. Năm 2009, chính Điền là người tiếp nhận giao dịch của bà Tôn. Nhận thấy số tiền lớn, hắn đã làm giả hồ sơ gửi tiền và lén rút dần toàn bộ số tiền tiết kiệm của bà cho mục đích cá nhân.
Không chỉ bà Tôn, nhiều khách hàng khác cũng trở thành nạn nhân của Điền. Theo điều tra, từ năm 2008 đến năm 2010, Điền đã chiếm đoạt hơn 6 triệu Nhân dân tệ. Sau khi trục lợi, hắn âm thầm nghỉ việc, sống an nhàn cho đến khi bị phát giác.
Năm 2020, tòa án đã tuyên án 10 năm 6 tháng tù cho Điền, buộc hắn hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Ngân hàng cũng chịu trách nhiệm bồi thường bà Tôn số tiền 1 triệu Nhân dân tệ cùng lãi suất phát sinh do lỗ hổng trong quy trình quản lý.
Sự việc đã gây rúng động dư luận, khiến ngân hàng chịu nhiều chỉ trích về công tác bảo mật và giám sát. Đại diện ngân hàng sau đó phải công khai xin lỗi và cam kết cải thiện hệ thống quản lý để không xảy ra sai phạm tương tự.
Vụ việc của bà Tôn không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh về việc bảo mật tài khoản ngân hàng mà còn nhấn mạnh trách nhiệm của các tổ chức tài chính trong việc đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng.