Hầu như chẳng bao giờ con người mảy may suy nghĩ về những việc họ đã làm với Trái đất này để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Tác động con người gây ra cho trái đất là vô cùng lớn mà có lẽ phải mất tới hàng nghìn nếu không muốn nói là hàng triệu năm để khôi phục lại như cũ. Dưới đây là những hình ảnh chứng tỏ con người đang dần giết chết ngôi nhà chung.
Phi vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử Mỹ
Sự cố giàn khoan Deepwater Horizon của tập đoàn dầu khí BP xảy ra tại giàn khoan bán tiềm thủy vùng nước cực sâu. Vị trí giàn khoan khoảng 64 km về phía tây nam bờ biển bang Louisiana trong khu vực mỏ dầu khí Macondo Prospect. Sự cố xảy ra vào ngày 20/4/2010 tại vịnh Mexico khiến cho 11 người thiệt mạng, 16 người khác bị thương nặng.
Ước tính tại thời điểm đó, đã có khoảng 700 triệu lít dầu thô tràn ra biển, 43.100 người, với 6.470 phương tiện đường thủy, cùng hàng tá máy bay đã tham gia công tác khắc phục hậu quả, gây tổn hại hàng trăm tỉ USD. Mất tới 3 tháng sau vụ nổ, BP mới khóa thành công vết rò này.
Vụ tai nạn này khiến cho giàn khoan này bị bốc cháy và chìm, gây tràn dầu ở một khu vực rộng lớn trong vịnh Mexico, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống hoang dã trong khu vực, đến ngành ngư nghiệp và du lịch các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng. Đây là sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và trên toàn thế giới.
Thiên đường lướt sóng
Thực phẩm đóng gói, chai nhựa đều…thi nhau lướt sóng, cảnh tượng này đã được nhiếp ảnh gia cố gắng ghi lại ngoài khơi bờ biển Java, Indonesia.
Nhiếp ảnh gia này còn nói rác cứ bất thình lình xuất hiện, không chỉ có vỏ, bao bì thực phẩm, chai nhựa mà còn có cả những thân cây to như chiếc ô tô.
Băng tan
Mặc dù băng tan không đủ mạnh để ảnh hưởng đến các dòng chảy đại dương, nhưng vẫn rất đáng sợ khi biết rằng các khối băng lớn vẫn đang tan chảy hàng ngày và ngày càng nhỏ hơn, một phần là do biến đổi khí hậu.
Ước tính hiện tại có hơn 1,5 triệu khối băng có kích thước bằng con tàu Titanic huyền thoại đang tan chảy mỗi năm. Trong khi đó, mực nước hiện nay dâng lên không đáng kể, khoảng 50 micromet mỗi năm, nhưng về lâu về dài, nó sẽ là mối hiểm họa lớn đối với con người.
Bãi cát dầu lớn nhất thế giới
Bãi cát dầu Athabasca nằm ở phía Bắc Alberta với diện tích khoảng 141.000 km2, ước tính trữ lượng dầu mỏ tại đây có thể lên đến 1,7 ngàn tỷ thùng.
Với trữ lượng lớn như thế, không ngạc nhiên khi Athabasca bị khai thác cạn kiệt, trở thành một trong những nơi tập trung chất thải độc hại lớn nhất Trái đất.
Hố địa ngục
Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng đây là chiếc hố dẫn tới cổng địa ngục, nhưng trên thực tế, nó là một trong số rất nhiều mỏ kim cương trên trái đất. Trong hình là mỏ kim cương Mir tại Nga, hiện nó đang bị khai thác cạn kiệt.
Mỏ Mir sâu 524 m và đường kính 1.188 m, đây là mỏ khai thác lớn thứ hai thế giới. Vào những năm 1960, người ta khai thác được 2000 kg kim cương mỗi năm, hiện giờ con số đó giảm xuống còn 400 kg.
Lá phổi xanh của trái đất nay còn đâu?
Theo các nghiên cứu gần đây, tình trạng cháy rừng Amazon ngày càng trầm trọng hơn, báo cáo về các vụ cháy tăng chóng mặt. Nguyên nhân là do nạn phá rừng, hạn hán và biến đổi khí hậu.
Từ năm 1978, gần 750 ngàn km2 rừng Amazon ở Brazil, Peru, Colombia, Bolivia, Venezuela, Suriname, Guyana, và French Guiana đã bị tàn phá do lối sống du mục của con người.
Trung Quốc - ô nhiễm môi trường “hàng đầu thế giới”
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng chủ yếu là do các cuộc công nghiệp hóa quy mô lớn. Ước tính hiện tại cho thấy một phần lớn môi trường của Trung Quốc không đủ lành mạnh cho con người sinh sống bình thường. Thậm chí nhiều người phải đeo mặt nạ để giảm thiểu tác động của ô nhiễm lên cơ thể.
Không khí sạch ở đất nước đông dân này hiếm đến nỗi người ta còn có thể khởi nghiệp bằng cách buôn bán… không khí.
Khai thác dầu mỏ đến kiệt quệ
Hình ảnh các dàn khoan hoạt động hết công suất tại các mỏ dầu trên sông Kern, California phần nào cho thấy con người đang dần làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất.
“Mỏ vàng đen” này được khai thác từ năm 1899. Đến cuối năm 2006, ước tính vẫn còn khoảng 2 tỷ thùng (320 triệu mét khối) dầu chưa được khai thác. Không chỉ “rút lõi” nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Trái đất mà việc dầu bị cháy còn giải phóng khí nhà kính, đã hại còn thêm hại hơn.
Phá rừng
Phá rừng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hành tinh. Dù cây không phải yếu tố duy nhất sản sinh oxy như nhiều người vẫn thường tin, nhưng vẫn giúp loại bỏ khí CO2 và các loại khí khác ra khỏi khí quyển.
Phá rừng cũng hủy hoại môi trường sống của các loài động vật bản địa, và làm giảm sự đa dạng trong hệ sinh thái.
Nhựa
Trong khi đang góp phần hủy hoại Trái đất bằng cách sử dụng cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hóa thạch, con người cũng tạo ra những thứ khác giết chết các loài động vật hoang dã.
Như có thể thấy trong hình trên, con hải âu này đã nuốt đồ nhựa, những thứ chẳng thể tiêu hóa được và cuối cùng nó phải nhận một cái chết thật đau đớn.
Nước biển dâng
Do sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao, nhiều đảo ở vị trí thấp có thể bị giảm diện tích đất hoặc hoàn toàn biến mất. Dù hậu quả có thể không xảy ra ngay lập tức nhưng về lâu dài, nó chắc chắn sẽ đến.
Hơn nữa, không chỉ có nhiều hòn đảo biến mất khỏi bản đồ, nhiều bờ biển của các quốc gia lớn cũng sẽ biến mất.
Rác thải điện tử
Nhờ tiến bộ công nghệ mà các máy móc thiết bị cũ dần được thay thế, chúng trở nên lỗi thời. Hậu quả là các bãi rác thải điện tử lớn dần xuất hiện và sẽ không biến mất trong một sớm một chiều được.
Xả rác không ai bằng
Trong ảnh là bãi rác thải ở Bangladesh, một minh chứng khẳng định con người luôn đứng đầu danh sách thải rác nhiều nhất trái đất. Không có loài nào trên Trái đất từng tạo ra nhiều chất thải như con người cả. Với những bãi rác như thế này, trái đất phải mất hàng ngàn năm mới “tiêu hóa” hết.
Sông Hằng toàn… rác
Sông Hằng là con sông lớn nhất ở Ấn Độ, vô cùng quan trọng trong văn hóa người Hindu. Tiếc rằng dòng sông linh thiêng giờ chỉ toàn… rác, mặc dù thế, nhiều người vẫn sử dụng nước ở đây để tắm giặt như bình thường.
Dân số tăng lên nhưng Trái đất không to ra được
Dân số ngày càng tăng lên đang trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với nhiều nước trên thế giới. Chỉ trong vòng 50 năm qua, dân số đã tăng gấp đôi, từ 3,5 tỉ người lên đến 7 tỉ người.
Và việc có quá nhiều người cùng sống trong một thành phố nhỏ hoặc khu vực đông đúc có thể dễ dàng dẫn đến các khủng hoảng về bệnh tật, đói nghèo cùng những hệ lụy khôn lường khác.