Park Hyun là giảng viên tại một trường đại học ở Hàn Quốc. Vị giáo sư 48 tuổi có ý thức rất cao trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, ông đều đặn tập gym 5 ngày/tuần, giữ gìn vệ sinh cá nhân qua việc rửa tay sạch sẽ và dùng dung dịch sát khuẩn liên tục trong ngày.
Cẩn thận là thế, nhưng Park vẫn nhiễm COVID-19. Sau khi may mắn hồi phục, ông liền chia sẻ trải nghiệm vượt qua bệnh tật của mình lên Facebook nhằm giúp mọi người có cái nhìn khách quan hơn về virus SARS-CoV-2, không ôm tâm lý xem nhẹ, hời hợt khi đối phó với bệnh dịch, đặc biệt là tại quê nhà Hàn Quốc, nơi COVID-19 đã lây lan cho hơn 8.000 người và khiến 81 người tử vong.
“Chúng ta phải thận trọng! Nhưng không được hoảng loạn hay sợ hãi”, ông viết trong bài đăng hôm 8/3. “Tôi đã quá ngây thơ, thậm chí dại dột khi cho rằng dịch bệnh chẳng liên quan đến mình. Đúng vậy, tôi tự tin đến nỗi mù quáng”. Ngày 21/2, thành phố Busan nơi giáo sư Park sinh sống ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Cùng ngày hôm đó, ông bắt đầu thấy đau họng và ho khan nhẹ.
Hai ngày sau, triệu chứng trên có đôi phần thuyên giảm, song ông lại thấy tức ngực và quyết định ở nhà nghỉ ngơi, không tập gym như thường lệ. Giải thích cho hành động khi ấy, Park nói rằng không phải ông quyết định ở nhà vì thấy không khỏe, mà do e ngại ca nhiễm virus corona mới được báo cáo gần nơi mình sinh sống.
Ngày 24/2, Park nhận ra tình hình chuyển xấu khi ông thấy khó thở từ lúc sáng sớm. Vị giảng viên 48 tuổi càng sợ hãi hơn khi ông sống gần nhà thờ Oncheon, nơi vừa phát hiện thêm một nhóm bệnh nhân mắc COVID-19. Cố trấn an bản thân trước nỗi sợ ngày càng bành trướng, ông run rẩy nhấc điện thoại gọi cho trung tâm y tế. Người đầu tiên nghe máy khẳng định Park không cần xét nghiệm COVID-19 bởi tình huống của ông không quá nghiêm trọng, trong khi rất nhiều người có nguy cơ nhiễm bệnh cao vẫn phải xếp hàng chờ đợi.
Tuy nhiên, bệnh tình của Park Hyun ngày càng trở nặng. Lần thứ ba gọi điện báo cho cơ quan y tế, ông được đề nghị đến bệnh viện gần nhất để xét nghiệm. Dù mới tờ mờ sáng, nhưng bệnh viện gần nhà Park đã chật kín người xếp hàng chờ xét nghiệm, y tá thông báo ông phải đợi ít nhất 4 tiếng mới đến lượt mình.
“Xếp hàng chờ được 30 phút, tôi bị khó thở và ngã quỵ khiến đầu đập xuống sàn”, ông viết. Ngay lập tức, ông được sơ cứu vết thương và chuyển đi xét nghiệm. Sau khi trở về, Park cách ly tại nhà một ngày. Đến hôm sau, ông nhận được kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Cơ quan y tế yêu cầu Park ở nhà thêm 24 tiếng trước khi được đưa vào bệnh viện điều trị. Trong thời gian đó, một nhân viên y tế đã gọi điện để theo sát tình hình và hoạt động của ông.
Phát hiện triệu chứng của Park Hyun đã trở nên nghiêm trọng, người này nhanh chóng quyết định cho ông nhập viện điều trị tại phòng áp lực âm, thuộc khu cách ly của Bệnh viện Tin lành Đại học Kosin. Tại đây, ông được chụp cắt lớp và làm một loạt các xét nghiệm khác trước khi dùng thuốc và thở oxy.
Ngày 26/2, Park đã dễ thở hơn một chút, song cơn đau thắt ngực vẫn còn dữ dội. “Tôi thấy ngực và dạ dày đau rát, không biết là do thuốc hay virus corona nữa”, ông viết. “Ngoài ra, tôi còn bị sốt nhẹ, tình trạng sức khỏe không ổn định. Lúc đầu, tôi có cảm giác bị một tấm sắt nặng đè lên ngực. Cơn đau dần trở nên khủng khiếp đến nỗi tôi ngỡ như có ai đó đang siết chặt lồng ngực mình. Đôi khi tôi cũng bị cơn đói hành hạ. Dù biết phải cố lấp đầy bụng để sống sót nhưng tôi thực sự rất sợ phải nuốt thức ăn, bởi vì khó thở quá”.
Sau 9 ngày điều trị, vị giảng viên được phép xuất hiện và tự cách ly thêm 14 ngày. May mắn thay, tất cả những người từng tiếp xúc với Park trong vòng một tuần trước khi ông nhập viện, bao gồm cả mẹ và chị gái, đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tìm được đường sống sau chuỗi ngày chống chọi với bệnh tật, Park Hyun gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ đã tận tâm chăm sóc ông như người nhà. Trong suốt quãng thời gian điều trị, các nhân viên y tế luôn cố gắng nhẹ tay để tránh khiến bệnh nhân đau đớn, thậm chí giúp họ mang thức ăn và dọn dẹp phòng bệnh sạch sẽ. Từ tận đáy lòng, ông vô cùng biết ơn và trân trọng nỗ lực của các y bác sĩ trong việc giành lại bệnh nhân từ tay tử thần.