Đây là lần đầu tiên án tù được quy định cho bất kỳ học sinh nào sử dụng những trò dối trá, gian lận để vượt qua kỳ thi đầu vào đại học ở Trung Quốc còn gọi là kỳ thi cao khảo - gaokao, tương đương kì thì SAT của Mỹ.
Học sinh tốt nghiệp trung học được đánh giá về khả năng tiếng Trung, Toán, tiếng Anh và một môn tự chọn khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng gian lận thi cử lan tràn không thể kiểm soát, thậm chí còn có cáo buộc về tình trạng có sự thông đồng một cách có hệ thống, bài bản giữa giáo viên và học sinh.
Năm 2013, từng xảy ra một vụ bạo loạn tại một trường học của Trung Quốc khi các giám thị coi thi cố gắng ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử trắng trợn.
Trung Quốc đã triển khai cả máy bay giám sát không người lái và máy dò kim loại để phát hiện những học sinh dùng thiết bị phát sóng bất hợp pháp. Đồng thời, những máy quét vân tay, tròng mắt cũng được đưa vào áp dụng để tránh các trường hợp thi hộ.
Hiện tại, những học sinh bị bắt quả tang gian lận trong thi cử sẽ bị cấm tham gia kỳ thi trong nhiều năm trong khi bất kỳ ai bị bắt quả tang tạo điều kiện cho tình trạng gian lận hàng loạt hoặc trả tiền cho ai đó thi hộ có thể phải đối mặt với 7 năm tù giam.
“Có quá nhiều học sinh gian lận vào năm tôi tham gia cuộc thi gaokao và nếu khi đó tình trạng gian lận được xử như một tội hình sự thì tôi sẽ khá khẩm hơn bây giờ rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, có nhiều nạn nhân giống như tôi”, một cư dân mạng đã bình luận như vậy trên trang mạng xã hội Weibo.
An ninh cũng sẽ được thắt chặt đến mức lần đầu tiên các đội SWAT của Trung Quốc được triển khai để bảo vệ đề thi và ít nhất 8 sĩ quan cảnh sát được điều động để canh gác mỗi phòng thi ở Bắc Kinh, báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Đối với các học sinh Trung Quốc, áp lực phải thi đỗ trong cuộc thi gaokao quá lớn, đè nặng lên họ. Năm nay, ước tính 9,4 triệu học sinh trung học tham gia cuộc thi để giành cho mình một trong số hơn 3 triệu chỗ ngồi trong các trường đại học. Năm ngoái, cứ 10 học sinh chỉ có 1 em được chấp nhận vào các trường đại học hàng đầu trong khi 1/4 số thí sinh là không đỗ bất kỳ trường nào.
Không có kết quả thi đại học tốt, các học sinh sau này chỉ có cơ hội trở thành công nhân cổ xanh (lao động chân tay) với mức lương thấp. Nhiều học sinh là con duy nhất của gia đình do chính sách một con vừa được bãi bỏ ở Trung Quốc và do vấn đề trợ cấp an sinh xã hội có nhiều khiếm khuyết, những đứa con duy nhất này lại trở thành lực lượng duy nhất mà bố mẹ và ông bà họ nhờ cậy vào khi tuổi già. Trong bối cảnh như vậy, nhiều học sinh thậm chí không có tính gian lận cũng sẵn sàng đi quá xa để có thể thành công trong cuộc thi gaokao.