Jason Holton, năm nay 30 tuổi, sống tại Camberley, hạt Surrey, Vương quốc Anh. Jason Holton nghiện đồ ăn nhanh Take Away khiến anh chàng mắc chứng béo phì, cân nặng lên tới 317 kg, phải tự giam mình trong phòng suốt 5 năm qua.
Chỉ trong một lần ăn, Jason có thể nạp vào cơ thể 10.000 calo với nhiều miếng chocolate, khoai tây chiên, bánh sandwich và đồ uống có ga.
Jason nói trên The Sun trong lúc đang nằm trên giường bệnh: "Tôi từng ăn nhiều đến mức cân nặng tăng chóng mặt và không thể di chuyển dù chỉ vài phân. Tôi đã quyết định mặc cho mình chết đi và chờ tới khi tim ngừng đập. Tôi từng cảm thấy mình chẳng còn gì trong cuộc đời này."
Cuối cùng, Jason đã phải gọi cho dịch vụ khẩn cấp và được đưa ra khỏi phòng ngủ ở tầng ba căn hộ nơi anh chàng đang sống bằng cần cẩu để tới bệnh viện. Quá trình “giải cứu” Jason kéo dài tới 7 tiếng đồng hồ.
Lực lượng cứu hộ đã phải dỡ bỏ cửa sổ phòng ngủ của Jason để lấy lối thoát đưa anh ra ngoài. Hơn 30 lính cứu hỏa và mẹ Jason xếp thành hàng dài ở dưới đất để theo dõi và hỗ trợ. Các kỹ sư kết cấu đã phải dựng sẵn cọc chống đỡ ở trần tầng dưới nhà Jason vì sợ có thể sẽ sập nếu anh bị ngã.
"Thật tuyệt vời vì đó là lần đầu tiên trong vòng 5 năm tôi được ra ngoài hít thở không khí trong lành. Tôi đã được tiêm codeine để giảm bớt cơn đau do dây đai cần cẩu cọ vào người, nhưng những gì tôi nhớ chỉ là cảm giác sảng khoái trong lành và cơn gió mát thổi tới.
Lúc đó, tôi gặp vấn đề với nồng độ oxy trong cơ thể nhưng tôi bảo với các nhân viên cứu hộ là cứ tiến hành đi. Nếu không thì giờ đây hẳn tôi đã chết trong nhà mình", Jason không giấu được hạnh phúc.
Jason, xếp vào dạng siêu béo phì, được đưa tới bệnh viện bằng một chiếc xe cấp cứu chuyên dụng, nơi anh sẽ được điều trị chứng phù bạch huyết ở háng và chân - một tình trạng mãn tính gây giữ nước và sưng phù.
"Tôi sợ cho tính mạng của con và cũng sợ sẽ mất con. Các bác sĩ từng nói rằng nó không thể sống được thêm 5 năm nữa, và rằng nó sẽ bị đau tim", bà Leisa, mẹ của Jason, chia sẻ.
Jason, người từ nhỏ đã luôn là "một cậu bé to lớn", cho hay tình trạng sức khỏe của mình bắt đầu có bước chuyển biến đặc biệt vào năm 2014, khi anh đăng ký dịch vụ giao hàng thức ăn nhanh về tận nhà của JustEat.
"Tôi mua nhiều món, chủ yếu là thịt nướng kebab và khoai tây chiên, đôi khi là đồ Trung Quốc. Rồi tôi uống kèm với nước cam đóng hộp và coca", anh kể.
Jason trở thành người đàn ông béo nhất nước Anh sau khi Carl Thompson, 33 tuổi, đến từ hạt Kent, qua đời năm 2015 với cân nặng gần 413 kg. Jason sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp và chưa bao giờ đi làm.
"Tôi chưa bao giờ đi làm. Việc đó là rất khó với tình trạng cơ thể của tôi", Jason nói.
Nhớ về thời thơ ấu “hạnh phúc hơn bây giờ”, Jason kể: "Tôi cũng béo nhưng tôi không bao giờ trốn tránh. Tôi thừa cân, nhưng tôi vẫn luôn ra ngoài làm việc nọ việc kia, cười đùa và năng động. Mẹ thường nấu các bữa ăn ngon ở nhà và tôi nhớ mình chưa bao giờ nhìn thấy những món ăn nhanh trên đĩa".
Có lần, Jason đã tham gia trại giảm béo dài 9 tuần ở New Jersey, Mỹ, và giảm được khoảng hơn 10 kg.
"Nhưng càng thêm tuổi, tôi thấy cuộc sống ngày càng khó khăn và ánh sáng cuộc đời đã dần tắt lịm. Tôi thấy ăn uống khiến bản thân dễ chịu hơn, nhưng nó lại dần vượt ra ngoài khả năng kiểm soát", Jason nói.
Trong khi đó bà Leisa cũng nhận định: "Tình trạng của Jason tồi tệ hơn bởi thằng bé bị giữ nước và gặp các vấn đề về đường máu. Bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều. Tôi căng thẳng, lo lắng cho con".
Hiện tại Jason kêu gọi chính phủ có thêm nhiều hành động để bảo vệ sức khỏe của toàn dân, trong đó có việc giới hạn lượng đồ ăn nhanh mà một người được đặt về nhà trong một khoảng thời gian nhất định.
"Tôi phải tự chịu trách nhiệm cho tình trạng của mình nhưng đúng là nếu không vì có sự xuất hiện của các ứng dụng giao đồ ăn, tôi sẽ chẳng tồi tệ như bây giờ", Jason kết luận.