Vào đầu tháng 2, Mohammed Arif, 30 tuổi, một công nhân vận hành máy gặt ở làng Mandka, bang Uttar Pradesh, đang làm việc trên cánh đồng thì phát hiện một con sếu đầu đỏ bị thương, đang rất cần được giúp đỡ. Trông con sếu có vẻ rất đau và bị chảy máu nhiều, anh Mohammed đã nhặt nó lên và mang về nhà để chữa trị và chăm sóc.
"Con chim chảy rất nhiều máu ở chân phải và tôi có thể thấy nó đang rất đau đớn. Không cần suy nghĩ kỹ, tôi nhặt nó lên và mang con chim về nhà. Tôi bôi một ít thuốc vào chân nó và bôi một lớp thạch cao bằng cách cố định một thanh tre và băng lại cho nó. Tôi có một ngôi nhà phụ, về cơ bản là một cái nhà kho lợp mái thiếc để dành chỗ cho nó", Mohammed kể lại ngày đầu tiên gặp người bạn lông vũ của mình.
Trong quá trình phục hồi, con sếu đã sống rất hòa hợp với những con chim trong sân nhà Mohammed khi anh đi làm xa. Nhưng ngay khi người đàn ông về nhà, nó lập tức quấn lấy anh, đòi anh cho ăn và cưng nựng. Anh Mohammed còn đặt tên cho co sếu hoang là Bachcha.
Phải mất một thời gian, vết thương ở chân con sếu mới hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, thay vì bay đi ngay khi đã khỏi và được thả tự do, con chim lại quyết định ở lại với anh Mohammed, quấn quýt lấy anh không rời.
Anh Mohammed đi đâu con sếu cũng đi theo bên cạnh như người thân trong gia đình. "Cuộc sống không còn như trước kể từ Bachcha xuất hiện. Đi đâu nó cũng đi theo. Khi tôi đang làm việc vận hành máy gặt, con chim đi dạo trên cánh đồng và sau đó cả hai chúng tôi cùng nhau ăn trưa", Mohammed kể.
Người đàn ông Ấn Độ, nói rằng trong suốt mùa đông, những con sếu đầu đỏ khác đến thăm Bachcha và chúng chơi đùa với nhau, nhưng khi chúng bay đi, người bạn lông vũ lại luôn ở ngay phía sau lưng anh. Đôi khi, Mohammed lái xe máy của mình rời khỏi nhà, con sếu cũng bay theo anh và có thể bắt kịp ở vận tốc 30-40 km/h.
Nhưng điều kỳ lạ là con sếu chỉ "để mắt" đến Mohammed Arif, người đàn ông đã chăm sóc nó khỏe mạnh trở lại mà thôi. Những người khác xung quanh anh, thậm chí cả vợ con của Mohammed, con sếu đều không mảy may quan tâm. Bất cứ khi nào nào vợ anh cố gắng tiếp cận con chim hoặc thậm chí mang thức ăn cho nó, nó sẽ tấn công để ngăn cô lại.
Trong khi đó, các chuyên gia về động vật hoang dã đã mô tả mối quan hệ giữa Bachcha và người cứu con vật là rất bất thường. Bởi sếu đầu đỏ hoang được biết đến là rất ngại xâm nhập xã hội. Chúng thường dữ dằn khi làm tổ và có thể rất hung dữ trước những kẻ tiếp cận quá gần.